Trường ca về người anh hùng yêu tự do, lẽ phải
Khi nhắc đến sử thi ở Tây nguyên, thường mọi người nghĩ ngay đến Đam San của đồng bào Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk, mà ít người biết rằng cộng đồng người Ba Na nhánh Rơ Ngao tại Kon Tum cũng sở hữu kho tàng sử thi đồ sộ với hơn 100 tác phẩm về chàng Giông anh hùng.
Già A Jar (trái) và già A Lưu chung sức bảo tồn, lưu giữ kho sử thi đồ sộ của người Rơ Ngao
ẢNH: ĐỨC NHẬT
Sau khoảng 2 thập niên điều tra, sưu tầm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã phiên âm, phiên dịch nhiều tác phẩm sử thi của người Rơ Ngao. Trong đó, riêng già A Jar (77 tuổi, ở làng Plei Don, P.Quang Trung, TP.Kon Tum) đã dịch trên 20 bài sử thi của người Ba Na tại Kon Tum.
Hơ'mon của người Rơ Ngao bao gồm hệ thống các tác phẩm liên hoàn, tập trung kể về anh hùng Giông
ẢNH: ĐỨC NHẬT
Già A Jar kể, những năm 2000, ông được mời tham gia dự án điều tra, sưu tầm, biên dịch, xuất bản kho tàng sử thi Tây nguyên do Viện Khoa học xã hội VN thực hiện. Chuyên gia ghi âm lại buổi hát kể sử thi của các nghệ nhân Ba Na, già A Jar sẽ phiên âm và phiên dịch. Năm 2005, dự án kết thúc, già A Jar lại hợp tác với TS Nguyễn Tiến Dũng, giảng viên cao cấp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tiếp tục dịch sử thi. Nhờ đó, hệ thống sử thi liên hoàn quý hiếm của người Rơ Ngao được các nhà nghiên cứu tái hiện nguyên bản, tổ chức biên dịch một cách công phu, tỉ mỉ.
Theo già A Jar, hơ'mon của người Rơ Ngao bao gồm hệ thống các tác phẩm liên hoàn, tập trung kể về nhân vật trung tâm - người anh hùng Giông. Đó là chàng trai dũng cảm, có sức mạnh và tài năng xuất chúng. Mỗi câu chuyện, mỗi tác phẩm trong hệ thống sử thi liên hoàn này có thể tồn tại độc lập như một tác phẩm hoàn chỉnh, kể về một chiến công nổi bật của Giông và bạn bè, anh em chàng, tiêu biểu như: Giông, Giớ săn chém cọp của Dăm Hơ Dang; Giông cưới nàng Khỉ; Giông đạp đổ núi đá cao ngất; Giông cứu đói dân làng mọi nơi, Giông leo mía thần… Mỗi câu chuyện, mỗi tác phẩm là một lát cắt trong toàn bộ hệ thống và gắn kết với nhau về mặt trình tự thời gian cũng như nội dung ý nghĩa.
Già A Jar có đóng góp to lớn khi tham gia phiên âm, phiên dịch trên 20 bài sử thi của người Ba Na nhánh Rơ Ngao
ẢNH: ĐỨC NHẬT
Già A Lưu (82 tuổi, ở làng Kon Klor II, xã Đăk Rơ Wa, TP.Kon Tum) là một trong số ít nghệ nhân tại tỉnh Kon Tum có khả năng hát, kể sử thi hay và đặc sắc. Cùng với già A Jar, già A Lưu tham gia dự án điều tra, sưu tầm sử thi của người Rơ Ngao với vai trò là người diễn xướng.
Theo già A Lưu, các tác phẩm hơ'mon được kể bằng văn xuôi xen lẫn những đoạn hát kể bằng văn vần với phong cách ngôn từ hồn nhiên, chất phác. Nhiều phần của sử thi thể hiện chàng Giông là một người rất siêng năng, cần cù, việc gì cũng giỏi, từ làm nương rẫy, ruộng nước, xúc cá dưới suối cho đến thợ rèn. Giông còn là người chỉ huy trong việc làm nhà rông cho buôn làng. Với đức tính yêu lao động, trọng tình nghĩa, Giông luôn nhận được sự yêu mến, cảm phục của buôn làng. Nhiều cô gái ở các làng luôn muốn hỏi Giông làm chồng. Giông cũng là bạn của muông thú, trong nhà nuôi tới 100 con hổ. Hổ không ăn thịt Giông mà giúp Giông trừ khử kẻ ác. Ngoài ra, Giông còn được miêu tả là chúa tể của muôn loài bởi có thể sai khiến thỏ, khỉ, tê tê, gấu, trăn, rắn...
Già A Lưu hát kể sử thi cho con cháu nghe
ẢNH: PHÚC NGUYÊN
Sử thi còn kể lại câu chuyện về cuộc chiến đấu ngoan cường của chàng Giông. Trong một lần đi săn, Giông bị hai kẻ gian ác bắt đem bán cho một kẻ giàu có. Giông bị hành hạ, bị đánh đập triền miên. Bằng ý chí, nghị lực và lòng gan dạ, trí thông minh, Giông đã chiến đấu với kẻ ác để giành lại tự do, công bằng, lẽ phải...
Trăn trở hơ'mon
Đối với già A Lưu, hơ'mon là sự tiếp nối truyền thống gia đình. Ngày trước, mẹ Y Ngao của già được ông ngoại trao truyền những bài hơ'mon dài. Sau này, cụ Y Ngao là người hát kể hơ'mon nổi tiếng trong vùng. Theo chân mẹ đi hát hơ'mon từ năm 9 tuổi, sử thi về chàng Giông đã ngấm vào máu thịt A Lưu. Thế rồi khối sử thi đồ sộ ấy trở nên thân thuộc với A Lưu như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Hơn 100 bài sử thi đã được già A Lưu kể trong suốt cuộc đời mình.
Người hát, người nghe cứ thưa dần khiến sử thi bị mai một là điều già A Lưu luôn trăn trở
ẢNH: ĐỨC NHẬT
Già A Lưu nói rằng hơ'mon được trình bày rất thoải mái, tự nhiên trong lúc ngồi bên bếp lửa cũng như khi làm nương rẫy. Hồi trước, người làng thường tập trung tại nhà rông nghe già kể sử thi suốt đêm. Nhiều năm tháng trôi qua, già A Lưu vẫn ngồi tựa bậu cửa hát hơ'mon dù người nghe thưa vắng dần. Theo dòng chảy thời gian, giọng hát trầm buồn của già không đủ sức thu hút mọi người bằng ti vi, điện thoại. Những người già nhiệt huyết và đam mê với sử thi cũng dần thưa vắng, lớp trẻ lại ít quan tâm đến sử thi. Rồi mai đây, còn ai nhớ đến hơ'mon? Đó là điều già A Lưu trăn trở nhất. (còn tiếp)
Bà Đậu Ngọc Hoài Thu, Trưởng phòng Quản lý văn hóa và gia đình, Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, cho biết hơ'mon - sử thi của người Ba Na nhánh Rơ Ngao thuộc loại hình ngữ văn dân gian, được Bộ VH-TT-DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2015. Thời gian qua, ngành VH-TT-DL đã tổ chức kiểm kê, rà soát, thống kê sơ bộ các bài sử thi và số lượng nghệ nhân biết hát kể sử thi trên địa bàn tỉnh để có phương án phát huy, bảo tồn di sản văn hóa này.
Nguồn: https://thanhnien.vn/doc-dao-di-san-van-hoa-phi-vat-the-ban-anh-hung-ca-cua-nguoi-ro-ngao-185250329204700046.htm
Bình luận (0)