Dâu tằm là loại cây quen thuộc ở nước ta, được trồng phổ biến để hái lá và sử dụng quả.
Lá dâu tằm được sử dụng để sản xuất giấy, nuôi tằm, làm thực phẩm và dùng để chữa bệnh. Quả dâu tằm được biết đến như một thứ quả giải nhiệt.
Loại cây tưởng chỉ được trồng để ăn quả, hái lá này bất ngờ thành tuyệt phẩm bonsai. Các nghệ nhân đã biến dâu tằm thành bonsai độc lạ, bắt mắt.
Những chậu bonsai dâu tằm với nhiều dáng thế độc, lạ đang trở thành loại cây cảnh được nhiều người săn lùng trong những năm gần đây vì mới mẻ và lạ lẫm.
Anh Tuấn Long (29 tuổi) cho biết trên VTC News, anh đã mua 2 cây dâu tằm bonsai với giá 12 triệu đồng mỗi cây. Theo anh Long, màu đỏ quả của dâu tằm làm cho anh cảm thấy được sự may mắn, sung túc nên anh đã mua để đặt ở trước phòng khách và ban công.
Còn anh Nguyễn Duy Tân (32 tuổi, TP. Pleiku) chia sẻ, loại cây này thu hút anh bởi sự độc lạ. “Người làm rất sáng tạo trong việc uốn nắn, tạo tác cành và thân. Mua bonsai dâu tằm đã thành phẩm sẽ giúp việc chăm sóc dễ dàng hơn”, anh Tân nói.
Thú chơi bonsai dâu tằm thể hiện sự đa dạng trong thế giới cây cảnh. Cây dâu tằm với đặc tính thân mềm dẻo và dễ uốn nắn nên được nhiều người lựa chọn để tạo dáng bonsai.
Trung bình, mỗi chậu bonsai dâu tằm nhỏ có giá từ 250 nghìn đồng đến 5 triệu đồng. Còn những chậu dâu tằm bonsai lớn giá có thể có giá tới 25-31 triệu đồng, tùy dáng thế.
Ngoài để bán, dâu tằm bonsai còn được các tiểu thương cho thuê với giá từ 500.000 đồng tới 4 triệu đồng/cây.
Cây dâu tằm rất dễ trồng dáng kiểng. Người trồng chỉ cần bỏ một ít thời gian chăm sóc và có thể kiếm được tiền triệu với loại cây này.
Anh Trần Văn Quý (trú phường Tây Sơn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là một trong những “tay chơi” bonsai dâu tằm có tiếng ở phố núi Pleiku. Theo VTC News, số lượng bonsai dâu tằm mà anh Quý đang sở hữu lên tới hơn 200 cây.
Anh Quý cho hay, những cây dâu tằm có bộ gốc to, cành già và cho nhiều trái thì sẽ có giá trị cao hơn. Ngoài ra, cây có bộ rễ đẹp hoặc có hình thù quái lạ thì lại càng được nhiều người tìm mua.
Mỗi năm, cây dâu tằm thường ra quả 2 đợt, mỗi đợt kéo dài 2 tháng. Những quả dâu chín đỏ mọng mọc ra từ thân cây nên rất có giá trị đối với người chơi cây cảnh.
Báo Thanh Niên cho hay, anh Lê Hoàng Nam (28 tuổi, nhân viên văn phòng ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng sở hữu hơn 30 cây kiểng dâu tằm lớn, nhỏ.
Anh Nam kể rằng bắt đầu chơi dâu tằm kiểng vào năm 2018, loại cây này dễ chăm, nhiều trái khi làm bonsai. Mỗi tháng, anh bán được vài chục cây và phôi.
Theo anh Nam, những cây dâu tằm có giá trị kinh tế cao thường mang hình hài với bộ gốc to, cành già và cho nhiều trái. Ngoài ra, cây có bộ rễ đẹp hoặc có hình thù quái lạ thì lại càng có giá trị.
Anh Nam cho hay, để làm bonsai dâu tằm, anh chọn nhánh đẹp theo ý mình rồi cắt giâm cành, sau đó để cây ra rễ và phát triển khoảng một năm rồi chọn lọc ra phôi đẹp để vào chậu làm kiểng. Dâu tằm là cây ăn trái nên cần rất nhiều nắng và chất dinh dưỡng. Vì thế, bầu đất trồng phải lớn. Nếu chơi bonsai thì phải đặt bầu đất lên một chậu lớn hơn để rễ ăn xuống thì mới đủ để cây ra quả nhiều và chắc đẹp.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tiệp (30 tuổi, ngụ thôn Dương Kệ, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cũng đang kiếm thêm tiền triệu nhờ chơi kiểng dâu tằm.
Năm 2016, anh bắt đầu tìm hiểu, chơi dâu tằm và đến nay sở hữu hơn 10 gốc dâu tằm kiểng, với giá trung bình từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng mỗi cây.
Theo anh Tiệp, cây dâu tằm thường ra hoa vào tháng 2-3, đến tháng 4-5 cho thu quả. Còn những mùa khác là trái mùa, chỉ ra lưa thưa vài quả chứ không được nhiều quả như mùa chính.
Muốn cây dâu tằm luôn đẹp thì sau khi thu hoạch nên cắt tỉa tán cây cho gọn, làm như thế tán cây sẽ mọc cành nhiều. Mà nhiều cành thì cây lại càng sai quả. Để cây bán ra thị trường có giá trị cao thì cây phải có dáng đẹp, không bị mục.