Nhưng đó đã là chuyện của nhiều năm về trước, còn bây giờ doi cát ấy đã đổi thay nhiều. Từ Bảo Ninh đến Hải Ninh hôm nay không còn là “cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia” nữa mà vùng cát đã thực sự thay da đổi thịt.
Cả vùng cát dồi dào sức sống, trẻ trung và năng động với những công trình mới, nhà cửa khang trang, điện sáng trong nhà, ngoài sân, sáng cả trên thuyền, trên biển…
ất cả đang tràn trề sức sống, rộn ràng với nhịp độ tích cực cùng con người chủ động chuyển động để bắt nhịp với cuộc sống mới.
Vào buổi sáng đẹp trời, nắng như dát bạc lấp lánh trên mặt biển. Tôi cùng nhóm bạn quyết định dùng xe địa hình ATV tham quan miền cát theo một cách riêng.
Từ quảng trường biển Bảo Ninh, men theo ngàn con sóng, chiếc xe địa hình đưa chúng tôi đến với làng Hải Ninh. Gió biển miên man thổi vị mặn làm mái tóc rối xù.
Dọc theo triền cát có một loài cây dại, nở đầy hoa có hình dáng như con cầu gai với những chiếc gai tua tủa xung quanh, người ta gọi đó là hoa lông chông. Thuận gió, những bông hoa lông chông lăn tròn như chạy đua cùng đoàn xe dọc dài theo bãi cát. Mấy chú còng gió ngơ ngác nghe tiếng máy xe vội vàng lao nhanh về các lỗ nhỏ bên hốc cát. Những rặng phi lao cổ thụ thân xù xì đung đưa theo gió.
Xe chạy hơn 30 phút thì bắt đầu xuất hiện những xóm nhỏ ven biển. Đến lối rẽ đầu tiên, chúng tôi chạy theo con đường bê tông để vào làng Hải Ninh. Vốn là một làng cát nghèo nhưng người dân đã biết “bắt sỏi đá biến thành sắn gạo”. Mùa mưa đến, người dân đua nhau cuốc cát trồng hoa màu.
Kỳ lạ thay, những củ sắn, củ khoai trồng trên cát có vị bùi đặc trưng không nơi nào có được. Người trong làng kể lại, trước đây khoai thay gạo, bầu bí là thức ăn. Dầm khoai vào bát, chan canh bầu nấu với con còng biển, vậy mà ngọt mãi đến tận bây giờ.
Giêng hai khoai bầu – câu tục ngữ ấy là phương ngôn về ẩm thực làng cát, dấu ấn lịch sử một thời đói kém. Còn ngày nay, khoai làng cát đã trở thành món đặc sản dân dã dùng để làm quà tặng cho khách du lịch xa gần. Dừng chân tại cơ sở chế biến khoai deo lớn nhất làng.
Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về không khí khẩn trương làm việc của bà con. Lân la bắt chuyện, tôi được người dân chân chất chia sẻ câu chuyện làm nghề. Khoai lang sau khi thu hoạch phải lấy chăn vải ủ khoảng 3 – 5 ngày cho xuống mật sau đó mới rửa sạch, nấu chín rồi bóc vỏ, xắt lát và phơi được nắng thì mới dai và ngọt.
Nghe thì đơn giản vậy, chứ ngồi quan sát mới cảm nhận được, lát khoai đó ngon ngọt, đảm bảo vệ sinh chắc chắn là nhờ sự tỉ mẫn và thấm cả mồ hôi công sức bao ngày tháng của người làm. Khoai deo bây giờ đã được đóng gói bao bì đẹp mắt, theo chân du khách đi khắp mọi miền. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện nay nhiều cơ sở chế biến khoai deo ở Hải Ninh đã đầu tư máy sấy, đảm bảo cho việc chế biến khoai cả những giai đoạn trời không có nắng.
Nguồn:https://www.facebook.com/photo/?fbid=766181492289676&set=pcb.766181602289665