Doanh thu thuần tại thị trường nước ngoài của công ty trong quý III là 2.384 tỷ đồng, trong đó mảng xuất khẩu chiếm 52%, tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng của Vinamilk, doanh thu hợp nhất đạt 44.848 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 6.669 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 71% và 77% kế hoạch năm. Thị trường nước ngoài được xem là điểm sáng khi doanh thu thuần đạt 7.218 tỷ đồng. Riêng quý III, thị trường nước ngoài góp 2.384 tỷ đồng, trong đó mảng xuất khẩu ghi nhận 1.246 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.
Theo Vinamilk, mức tăng trưởng này khá tích cực trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu của Việt Nam còn khó khăn. Ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế Vinamilk phân tích, động lực cho sự tăng trưởng của thị trường nước ngoài của doanh nghiệp đến từ các thị trường truyền thống và mảng gia công xuất khẩu ngành hàng sữa đặc. “Một số thị trường truyền thống như châu Phi và Trung Đông đang có nhiều khó khăn, nhưng Vinamilk vẫn nỗ lực đồng hành với đối tác nhập khẩu trong các hoạt động kinh doanh, cố gắng cung cấp hàng hóa đầy đủ, đảm bảo chất lượng và giá cả tốt nhất”, ông Hiếu nói. Ngoài ra công ty cũng kịp thời nắm bắt các lợi thế bán hàng, nhất là hoạt động gia công sản phẩm xuất khẩu ở một số thị trường thế mạnh.
Đại diện Vinamilk cũng kỳ vọng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu của Vinamilk tiếp tục duy trì mức tăng 5% trong quý IV. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đã dần được cải thiện qua các quý. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 giảm 11,9%; quý II giảm 11,8% nhưng đến quý III chỉ giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trước diễn biến này, các chuyên gia cho rằng, nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục và tình hình xuất khẩu của Việt Nam sẽ sôi động hơn trong những tháng cuối năm.
Ông Hiếu cho biết, thời gian tới công ty lên kế hoạch tiếp tục phát triển các nhóm sản phẩm xuất khẩu thế mạnh, nhất là các sản phẩm mang thương hiệu Ông Thọ và Ngôi Sao Phương Nam. Việc phát triển sản phẩm (như thay đổi quy cách đóng gói, đa dạng hương vị…) sẽ dựa trên xu hướng cũng như thói quen tiêu dùng tại từng địa phương, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng bản địa.
Vinamilk cũng tham gia hỗ trợ việc kinh doanh của các nhà phân phối hiện có, đồng thời tìm kiếm khách hàng mới trên thị trường quốc tế. Trong 9 tháng qua, doanh nghiệp đã tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm lớn tại các khu vực và thị trường như Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á… Kết hợp với các hoạt động chăm sóc khách hàng khác, Vinamilk đã ký kết và thực hiện thành công các hợp đồng với tổng giá trị đạt hơn 100 triệu USD.
Gần đây nhất, đơn vị đứng đầu ngành sữa Việt đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 2 đối tác nhập khẩu và phân phối sữa – nông sản lớn tại Trung Quốc để xuất khẩu sản phẩm sữa chua sang thị trường tỷ dân. Theo kế hoạch, lô sữa chua ăn hương vị sầu riêng đầu tiên của Vinamilk sẽ lên kệ hàng tại Trung Quốc vào khoảng cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12. Trước đó, sữa đặc Ông Thọ – sản phẩm chủ lực của Vinamilk tại thị trường Trung Quốc – cũng vừa có mặt tại chuỗi siêu thị Quảng Bạc, chuỗi bán lẻ lớn nhất tại Quảng Châu với hơn 17 siêu thị.
Công ty sẽ phát triển thêm các nhóm thị trường mới như: Nam Mỹ, vịnh Caribe, khu vực Tây và Nam Phi. Quốc gia mới nhất ghi nhận sự xuất hiện của các sản phẩm Vinamilk là Chile và Arab Saudi, nâng tổng số thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp lên 59 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hoàng Anh