Kết thúc quý 2/2024, ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam đánh giá thị trường bất động sản có nhiều chuyển biến tốt. Thị trường địa ốc nước ta đã ghi nhận 1 tỷ USD vốn giải ngân từ nhà đầu tư ngoại, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu kinh doanh bất động sản tại TP HCM tăng 6,1% so với cùng kỳ.
Trong quý 2, TP HCM đón nhận 36.798 m2 diện tích cho thuê văn phòng hạng A mới. Giao dịch thuê lớn trong quý 2 diễn ra chủ yếu ở các dự án hạng A mới, cho thấy nhu cầu thuê văn phòng hiện đại, cao cấp, đạt tiêu chuẩn bền vững ở mức cao. Ở khu trung tâm, cả tòa nhà hạng A và B đều giữ giá thuê ổn định, phản ánh sự cạnh tranh giữa dự án cũ và mới và giữa các dự án mới với nhau nhằm kéo khách thuê để tăng tốc lấp đầy.
Đối với thị trường bất động sản công nghiệp tại TP HCM, nhiều năm liền không có nguồn cung mới, giá thuê đã chạm ngưỡng trung bình ở mức 230 USD/m2/kỳ hạn và tỷ lệ lấp đầy trung bình trong khu công nghiệp đạt 90%.
Thành phố đang khắc phục tình trạng thiếu quỹ đất bằng cách đẩy nhanh gỡ vướng pháp lý cho các dự án ở TP Thủ Đức, Củ Chi và Bình Chánh. Cùng với đó nỗ lực làm mới quỹ đất công nghiệp, hướng đến các ngành công nghệ cao để nâng cao vốn đầu tư và giá trị sản xuất trên mỗi m2 đất.
Ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp tại Avison Young Việt Nam nhận định, phân khúc bất động sản công nghiệp đang chứng kiến sự cạnh tranh giữa thị trường cấp hai với thị trường cấp một, cụ thể như giữa Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu với Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
“Lợi thế cạnh tranh của các thị trường cấp hai là diện tích đất công nghiệp cho thuê còn lớn với tỷ lệ lấp đầy chưa cao và giá thuê vừa sức. Thứ hai là xu hướng phát triển khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng và thân thiện với môi trường để thu hút dòng vốn FDI trong các ngành công nghệ cao. Dự thảo Quỹ Hỗ trợ đầu tư của Việt Nam cho thấy nỗ lực cải thiện chính sách ưu đãi đầu tư, tăng cạnh tranh và tính hấp dẫn, thúc đẩy động lực phát triển cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trong dài hạn”, vị chuyên gia phân tích.
Đối với thị trường căn hộ tại TP HCM, giá bán tăng tùy theo phân khúc và khu vực. Giá sơ cấp toàn thị trường tăng 5% và tăng nhanh hơn ở phân khúc cao cấp, đạt 7%. Giá bất động sản ở TP Thủ Đức, nơi tập trung nhiều dự án cao cấp, cao hơn 10% so với mặt bằng chung của TP HCM.
Nguồn cung mới của TP HCM dự kiến nhiều hơn càng về cuối năm, với các dự án công bố giai đoạn mở bán tiếp theo. Ngoài ra, dự báo nguồn cung mới tại các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương cũng trở nên sôi động.
Trong quý 2, giá thuê mặt bằng bán lẻ ngoài trung tâm TP HCM giảm 4% so với quý trước, khoảng 20-117 USD/m2/tháng. Dù giá thuê trồi sụt khác nhau tùy địa điểm, tỷ lệ lấp đầy ngoài trung tâm ở TP HCM tương đối ổn định với mức tăng nhẹ 1%. Nguồn cung bất động sản bán lẻ Việt Nam dự báo dồi dào và đa dạng hơn từ cuối năm 2024 trở đi.
Cùng với đó, các chuyên gia của Avison Young Việt Nam dự đoán, nguồn cung nhà ở giá phải chăng và nhà ở xã hội sẽ khó tăng nhanh trong vài quý tới do liên quan đến quỹ đất cũng như chi phí đầu tư xây dựng ngày càng cao.
“Nguồn cung nhà ở mới tăng trưởng trở lại với nhiều nỗ lực kích cầu. Bất động sản văn phòng và công nghiệp tiếp tục là điểm sáng nhờ các nền tảng vững chắc và nhu cầu thuê cao. Mọi kỳ vọng đang hướng về ngày 1/8, khi các luật bất động sản sửa đổi bắt đầu có hiệu lực. Đây có thể xem là bước tiến lớn của hệ thống pháp luật Việt Nam trong một thập kỷ trở lại đây, mở ra chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản. Hoạt động đầu tư bất động sản thông qua các thương vụ hợp tác, M&A kỳ vọng khởi sắc hơn từ cuối năm 2024 trở đi”, ông David Jackson nhấn mạnh.
Nguồn: https://www.congluan.vn/doanh-thu-kinh-doanh-bat-dong-san-quy-2-tai-tp-hcm-tang-61-post303095.html