Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, với khoảng hơn 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đã tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng 50% vào GDP cả nước, tạo ra công ăn việc làm cho hơn 80% số lao động cả nước và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước. Hiện quy mô GDP Việt Nam đã nằm trong top 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 của thế giới.
“Đội ngũ doanh nhân Việt Nam với tinh thần kinh doanh, nỗ lực vượt khó và khát vọng vươn lên mạnh mẽ đã thể hiện trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa kinh doanh ngày càng rõ nét. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh và từng bước khẳng định vai trò, vị thế không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới. Nhiều sản phẩm đang dần khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới.
Đây sẽ là những doanh nghiệp điển hình, lan tỏa tinh thần tiên phong, góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của sản phẩm “made by Việt Nam” trên trường quốc tế. Đồng thời, lực lượng doanh nghiệp tiên phong cũng đóng vai trò trụ cột, dẫn dắt, tạo đòn bẩy để phát triển nhiều ngành, lĩnh vực. Qua đó, đưa nền kinh tế Việt Nam tự chủ, hướng tới phát triển bền vững” – Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định và tiếp tục duy trì chuyển biến tích cực, nền kinh tế Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất kinh doanh có tín hiệu chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn rất nhiều rủi ro và thách thức.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, một trong các thách thức lớn hiện nay là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh. Xu hướng tiêu dùng và yêu cầu của các thị trường về sản xuất kinh doanh bền vững đang ngày càng cao.
Với gần 98% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, do hạn chế về quy mô, năng lực, trình độ quản trị… hầu hết doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa nhận thức, quan tâm đầy đủ và đầu tư thích đáng cho kế hoạch và chiến lược kinh doanh bền vững. Điều này dẫn đến nguy cơ bị mất cơ hội để tham gia và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, ông cho rằng, cũng cần ghi nhận và đánh giá cao một lực lượng doanh nghiệp chủ động đổi mới sáng tạo đón bắt xu hướng, tiên phong đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Đây chính là những ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, là cơ quan tham mưu về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, trong nhiều năm qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng cường năng lực nội sinh. Đồng thời, thúc đẩy tinh thần tiên phong của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững. Từ đó, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.