Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu ngày 11.10. Ảnh: VGP. |
Toàn xã hội tôn vinh đội ngũ doanh nhân
Cách đây 79 năm, chỉ hơn một tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của doanh nhân. Trong thư, Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải cố gắng nỗ lực để giành lấy hoàn toàn nền độc lập, thì giới công thương cũng phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này…”.
Những lời dạy của Bác, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương Việt Nam (13/10) đã được chọn là Ngày Doanh nhân Việt Nam, ngày mà cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tôn vinh đội ngũ doanh nhân.
Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, đặc biệt là trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn có chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hơn 5 triệu hộ kinh doanh, gần 30.000 hợp tác xã. Trong đó, khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc và 124 doanh nghiệp (với 283 sản phẩm) được công nhận đạt thương hiệu quốc gia, nhiều thương hiệu gây được tiếng vang trong thị trường khu vực, quốc tế.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp cũng là sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân. Nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân của Việt Nam đã đạt tới 10 triệu người.
Trong những năm qua, nhất là trong những năm gần đây, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã nỗ lực vượt khó và luôn đồng hành cùng dân tộc. Đã xuất hiện ngày càng nhiều những doanh nhân, doanh nghiệp lớn với thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, đang thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển các ngành, địa phương, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong ngành phát triển, trong đó có Vietjet Air, THACO, Vingroup, Viettel, FPT, VNPT, Vietcombank, BIDV, BRG, Tập đoàn TH, Geleximco, Tập đoàn Phú Thái, PNJ, Doji, Vinamilk, Thái Bình Shoes (TBS), … Các sản phẩm phong phú, chất lượng cung cấp bởi các doanh nghiệp Việt Nam đã vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước.
Đặc biệt, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đi đầu trong chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp mới như AI, chip bán dẫn, hydrogen, xanh, tuần hoàn… qua đó chủ động đón bắt xu hướng, tham gia các ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Gần đây nhất, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã khẳng định: “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước”.
Tỉnh táo trước các luận điệu xuyên tạc về đội ngũ doanh nhân
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Nhà nước đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, xử án đối với một số doanh nhân vi phạm pháp luật. Việc xử lý các doanh nghiệp, doanh nhân nói trên theo đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng trên một số trang mạng xã hội, các tổ chức và cá nhân chống phá đã đặt ra những câu hỏi “nghi vấn” nhằm đánh tráo bản chất, hướng lái các vụ án sang chiều hướng tiêu cực, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng ta với đội ngũ doanh nhân, cố tình đánh tráo bản chất vụ án, hướng lái sang vấn đề chính trị, từ đó kích động chống phá.
Một thủ đoạn của các đối tượng thù địch là “cắt, dán” thông tin để xuyên tạc sự thật. Chúng “nhặt” những “gam màu đen” trong bức tranh doanh nghiệp doanh nhân trong các báo cáo của các cơ quan chức năng rồi “quy thành bản chất”.
Ví dụ, trong báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2024 có thống kê: Tính chung chín tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 121,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.158,5 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 735,0 nghìn lao động, tăng 3,4% về số doanh nghiệp, tăng 3,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 61,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 25,0% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm 2024 lên hơn 183,0 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong 9 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 86,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước; gần 61,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 33,4%; gần 15,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,9%. Bình quân một tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thế nhưng, một số đối tượng chống đối chỉ ấy số liệu “màu xám” trong báo cáo trên để “kết luận” rằng “bức tranh kinh tế Việt Nam ảm đạm” và kêu gọi “các nhà đầu tư hãy tránh xa Việt Nam”…
Thực tế, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm nhiều so với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Nếu như trong 9 tháng đầu năm 2024, bình quân một tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thì bình quân một tháng có hơn 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Có nghĩa là số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động bình quân mỗi tháng vẫn cao hơn 2,1 nghìn so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; 1 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, việc thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đã được đẩy mạnh; môi trường sản xuất, kinh doanh được cải thiện, ngày càng bình đẳng, thuận lợi.
Vai trò của doanh nhân và tổ chức đại diện cho đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp được củng cố, phát huy. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thế nhưng, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị lại không nhìn thấy hoặc cố tình phớt lờ thực tế này, phủ nhận sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta với đội ngũ doanh nhân.
Để đấu tranh hiệu quả với các luận điệu nói trên, trước hết, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, Nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước. Khẩn trương rà soát, thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế…
Bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ; thực hiện phương thức đối tác công – tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, đối tượng phục vụ; kiểm soát, xoá bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, cần phải chấn chỉnh một bộ phận doanh nhân còn hiện tượng đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân với giới doanh nhân.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/tieu-diem/doanh-nhan-viet-nam-dong-hanh-cung-dan-toc-680476.html