Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngày đầu tháng 6/2024, giá xuất khẩu sắn lát sang thị trường Trung Quốc ở mức 250 USD/tấn, FOB Quy Nhơn; giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 300 USD/tấn, FOB Quy Nhơn.
Trong khi đó, giá sắn tươi tại các tỉnh, thành phố không có nhiều biến động so với cuối tháng 5/2024. Hiện giá sắn tươi tại các tỉnh miền Bắc dao động ở mức 2.750-2.850 đồng/kg. Tại các tỉnh miền Trung, giá sắn tươi được thu mua ở mức 2.950-3.100 đồng/kg. Giá sắn tươi thu mua tại Kon Tum ở mức 2.700-3.100 đồng/kg.
Hiện các nhà máy khu vực phía Bắc và miền Trung đã dừng sản xuất, lượng hàng sắn củ tươi vẫn được thu mua dùng cho các mục đích khác như: làm sắn lát, bột thủ công… Trong khi đó, một số nhà máy khu vực Tây Nguyên và Tây Ninh vẫn sản xuất, nhưng chạy ngắt quãng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2024, Việt Nam xuất khẩu được 118.430 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 51,79 triệu USD, lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,24 triệu tấn, trị giá 562,06 triệu USD, giảm 8,4% về lượng, nhưng tăng 6,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 5/2024, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 437,3 USD/tấn, giảm 0,7% so với tháng 4/2024, nhưng tăng 5,4% so với tháng 5/2023. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 451,4 USD/tấn, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu tinh bột sắn biên mậu đình trệ, giá xuất khẩu thấp nên các doanh nghiệp có xu hướng chuyển hướng xuất khẩu qua đường biển nhiều hơn. Hiện, Trung Quốc chủ yếu mua tinh bột sắn của Việt Nam với mức giá dưới 500 USD/tấn.
Trong tháng 5/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 70,11% tổng lượng sắn xuất khẩu của cả nước với 83.030 tấn, trị giá 38,55 triệu USD, giảm 49,9% về lượng và giảm 45,8% về trị giá tháng 4/2024.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,13 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 509,03 triệu USD, giảm 7% về lượng, nhưng tăng 8,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 1,09 triệu tấn sắn lát, với trị giá 286,09 triệu USD. Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam 254.330 tấn sắn lát, với trị giá 66,62 triệu USD, thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 23,35% trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 12,55% của 4 tháng đầu năm 2023.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 1,37 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 736,78 triệu USD, tăng 14,1% về lượng và tăng 31,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam là thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn thứ 2 cho Trung Quốc, với 533.190 tấn, trị giá 278,63 triệu USD, tăng 22,8% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 38,84%, cao hơn so với mức 36,11% của 4 tháng đầu năm 2023.
Đáng chú ý, Trung Quốc tăng nhập khẩu tinh bột sắn từ Lào với 200.600 tấn, trị giá 102,85 triệu USD, tăng 65,3% về lượng và tăng 99,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần tinh bột sắn của Lào chiếm 14,61% trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 10,09% của 4 tháng đầunăm 2023.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, tại thị trường Trung Quốc, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang chịu cạnh tranh mạnh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan, Lào, Indonesia và Campuchia. Để cạnh tranh với các nước, nhất là Thái Lan trong việc xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh và giữ vững thị phần tại thị trường Trung Quốc.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, thị trường kỳ vọng nhu cầu tinh bột sắn của Trung Quốc sẽ khả quan hơn trong tháng tới để chuẩn bị nguồn hàng cho Tết Trung thu. Theo tin từ thương nhân, nhu cầu khảo giá mua hàng từ các tập đoàn, công ty lớn của Trung Quốc khá nhiều. Tuy nhiên, lượng hàng khớp được giá mua bán với nhà máy sắn Việt Nam còn hạn chế. Nguyên nhân được cho là khách hàng Trung Quốc trả giá mua quá thấp.
Dự báo các nhà máy Trung Quốc sẽ mua hàng trở lại khoảng từ tháng 7/2024, do tồn kho hàng sắn lát tại Trung Quốc sẽ cạn dần. Sản lượng sắn lát nhập khẩu vào Trung Quốc từ đầu năm 2024 đến nay giảm rõ rệt (giảm tới 40% so với bình quân 3 năm gần đây). Nguyên nhân được cho là nhu cầu sử dụng sắn lát của các nhà máy Trung Quốc giảm, thêm vào đó, giá ngô thấp nên các nhà máy tăng tỷ lệ ngô thay cho sắn lát.
Nguồn: https://danviet.vn/doanh-nhan-trung-quoc-dang-khao-gia-mua-mot-loai-tinh-bot-cua-viet-nam-nhung-tra-gia-hoi-thap-2024062013031485.htm