“Nhất Bưởi, nhì Phu, tam Thu, tứ Tín” là câu nói được truyền tụng khi nhắc đến “tứ đại phú hộ” nổi danh Bắc Kỳ vào đầu thế kỷ XX. Trong đó, nhất Bưởi (tức Bạch Thái Bưởi) là doanh nhân thành công nhất trong lĩnh vực kinh doanh hàng hải và được người đời ca tụng là “chúa sông Bắc Kỳ”.
Kỳ 1: Chúa sông Bắc Kỳ
Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 trong một gia đình nông dân tại làng Yên Phú, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Tên khai sinh của ông là Đỗ Thái Bưởi. Cha mất sớm nên ông phải giúp mẹ kiếm sống bằng nghề bán hàng rong. Theo một số tài liệu thì ông từng vào học trường dòng của giáo hội Kito, nhưng do nhà nghèo nên phải bỏ giữa chừng. Về sau, do tư chất thông minh, lanh lợi, ông được một phú hào họ Bạch nhận làm con nuôi nên có điều kiện tiếp tục việc học, từ đó ông đổi từ họ Đỗ sang họ Bạch.
Sau một thời gian học chữ quốc ngữ, chữ Pháp, Bạch Thái Bưởi làm thư ký cho một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội, nên người ta gọi ông là Ký Năm. Năm 1894, Bạch Thái Bưởi chuyển sang làm cho một hãng thầu công chính. Ở đây, ông có điều kiện tiếp xúc với thiết bị, máy móc của phương Tây cũng như học hỏi được cách tổ chức, quản lý sản xuất của người Pháp.
Với tiếng Pháp khá thông thạo cùng sự nhanh nhạy trong công việc, Bạc Thái Bưởi được Thống sứ Bắc Kỳ Bonnet chọn làm người giới thiệu sản phẩm của Việt Nam tại Hội chợ Bordeaux, Pháp năm 1895. Đến Pháp, Bạch Thái Bưởi được mở rộng tầm mắt trước nền văn minh phương Tây. Ông ra sức tìm tòi, học hỏi cách làm việc của người Pháp cũng như nghệ thuật kinh doanh.
Về nước, với tinh thần của một thanh niên không chịu an phận, với tâm trạng đầy phấn khích, Bạch Thái Bưởi quyết tâm đi vào con đường kinh doanh.
Với số vốn dành dụm được cùng những kiến thức đã tích lũy, Bạch Thái Bưởi lãnh thầu cung cấp vật liệu xây dựng cho người Pháp mở đường sắt Bắc – Nam. Khi người Pháp xây dựng cầu Long Biên, ông xin vào làm đốc công. Làm việc trên công trường xây dựng cầu Long Biên, Bạch Thái Bưởi đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh. Nhận thấy công trường cần một lượng lớn gỗ, ông đã hùn vốn cùng với một người Pháp làm đại lý cung cấp gỗ cho Sở Hỏa xa Đông Dương và cho một số hãng khác. Xin được giấy phép, ông đi nhiều nơi tìm và tổ chức khai thác gỗ.
Doanh nhân Bạch Thái Bười
Sau ba năm vất vả, Bạch Thái Bưởi đã kiếm được số vốn đủ kinh doanh riêng. Đầu tiên, ông mua gom ngô để xuất khẩu, nhưng vận may lại không đến bởi gặp đúng năm mất mùa ngô. Do không cung cấp đủ lượng ngô theo hợp đồng, ông bị kiện ra tòa và phải bồi thường. Từ thất bại này, ông có được bài học đầu tiên trên thương trường.
Năm 1908, Bạch Thái Bưởi thắng thầu nhà cầm đồ ở Nam Định, thắng thầu việc thu thuế chợ ở Nam Định, Thanh Hóa, Vinh – Bến Thủy với một ít vốn còn lại. Ông còn mở một nhà hàng kiểu Tây ở Thanh Hóa. Trong lĩnh vực dịch vụ, ông kinh doanh khá thành công, nhờ đó mà vốn liếng tích lũy được ngày càng nhiều.
Sau nhiều năm trên thương trường, Bạch Thái Bưởi quyết định dấn thân vào một lĩnh vực mới mẻ: ngành vận tải đường sông. Lúc đó, do các tuyến đường sắt và đường bộ chưa xây dựng xong nên giao thông đường sông và đường biển có cơ hội phát triển.
Ban đầu, Bạch Thái Bưởi thuê ba tàu thủy của A.R. Marty – một chủ hãng tàu Pháp chở thư và hành khách đường sông Bắc Kỳ vừa mới hết hạn hợp đồng với nhà chức trách. Ba chiếc tàu được ông đặt tên là Phi Long, Phi Phượng, Bái Tử Long với giá thuê mỗi tàu 200 đồng Đông Dương một tháng. Hai tàu chở khách chạy tuyến Nam Định – Hà Nội, chiếc kia chạy tuyến Nam Định – Bến Thủy.
Bước đầu trong ngành vận tải hàng hải, Bạch Thái Bưởi đã bộc lộ rõ tài năng và bản lĩnh khi phải đương đầu với các đối thủ người Hoa, người Pháp với thế lực mạnh, lại giàu kinh nghiệm vận tải đường sông. Mở đầu là cạnh tranh giá cả. Bạch Thái Bưởi “câu khách” bằng cách hạ giá cước, nhưng ông hạ giá một thì doanh nhân người Pháp, người Hoa hạ giá hai. Ông hạ giá hai thì họ hạ giá ba. Tuyến Hà Nội – Nam Định giá vé 3-4 hào một người một lượt chỉ còn 3-5 xu.
Tiếp theo là cuộc cạnh tranh về dịch vụ khách hàng. Ông mời khách đi tàu uống nước chè miễn phí thì Hoa kiều vừa mời khách uống chè vừa mời bánh ngọt. Bạch Thái Bưởi đứng trước nguy cơ phá sản. Doanh thu ba con tàu chỉ còn khoảng 15-20 đồng Đông Dương một tháng, trong khi giá thuê tàu đã là 200 đồng.
Chính trong tình thế cực kỳ nguy cấp đó, Bạch Thái Bưởi đã sử dụng sức mạnh tinh thần để thoát hiểm và vươn lên: vật chất khó đương đầu thì dùng đòn tâm lý. Ông thuê người diễn thuyết và dán áp phích khắp các bến cảng, kêu gọi “Người Nam ủng hộ người Nam”, “Người Nam không gánh vàng đổ sông Ngô”. Lời kêu gọi của ông dội thẳng vào lòng dân Việt giàu lòng yêu nước, cổ vũ tinh thần đồng bang. Bạch Thái Bưởi còn treo một cái ống trên tàu, để ai thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích, bỏ tiền vào đó giúp chủ tàu đỡ phần lỗ lã. Kết quả, hành khách đều bỏ tàu Hoa mà đi tàu Việt. Nhờ vậy mà Bạch Thái Bưởi đã thắng và tài lực của ông ngày càng lớn mạnh, đủ tiền mua luôn ba con tàu đang thuê.
Lễ hạ thủy tàu Bình Chuẩn ngày 7/9/1919 (Nguồn: Thư viện lịch sử)
Năm 1912, Bạch Thái Bưởi mở thêm tuyến đường sông Nam Định – Hải Phòng. Năm 1915, ông mua lại đội tàu và xưởng sửa chữa của Marty et dAbbadie khi hãng này phá sản. Ông nhanh chóng sở hữu thêm 12 chiếc tàu, tức đội tàu của ông có 15 chiếc, chạy khắp các tuyến đường sông vùng Đông Bắc.
Năm 1916, Bạch Thái Bưởi chuyển trụ sở từ Nam Định ra Hải Phòng và thành lập Giang hải luân thuyền Bạch Thái Công ty, lá cờ hiệu màu vàng có hình mỏ neo và ba sao đỏ.
Năm 1917, sau khi Desh Wanden – một công ty vận tải sông biển của Pháp phá sản, ông mua thêm 6 con tàu nữa cùng với một số sà lan và một xưởng sửa chữa tàu. Tàu mua được ông đặt tên Lạc Long, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Hồng Bàng, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi… thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Tính đến năm 1919, công ty của Bạch Thái Bưởi đã có nhiều chi nhánh ở Nam Định, Vinh – Bến Thủy, Hà Nội, Móng Cái, Hòn Gai, Việt Trì, Đà Nẵng, Sài Gòn. Ngày 7/9/1919, Giang hải luân thuyền Bạch Thái Công ty đã làm rạng danh ngành hàng hải Việt Nam khi cho hạ thủy tại Cửa Cấm (Hải Phòng) chiếc tàu Bình Chuẩn hoàn toàn do người Việt thiết kế, thi công. Tàu Bình Chuẩn dài 42m, rộng 7,2m, cao 3,6m, trọng tải 600 tấn, động cơ 450 mã lực, chạy bằng hơi nước có dung tích 8m3, vận tốc 8 hải lý/giờ. Chuyến đi đầu tiên của tàu Bình Chuẩn là từ Hải Phòng đến Sài Gòn ngày 17/9/1919, ghé qua các cảng Bến Thủy, Đà Nẵng, Quy Nhơn. Các nhà tư sản Nam Kỳ đã cho khắc tấm biển đồng với dòng chữ “Au Binh Chuan, le premier bateau annamite à Saigon” làm vật kỷ niệm cho con tàu. Sự kiện này được xem tượng trưng cho “phong trào chấn hưng thương trường cổ động thực hiện” của giới doanh nhân Việt Nam lúc đó.
Sau sự kiện hạ thủy tàu Bình Chuẩn, Bạch Thái Bưởi mở rộng tầm hoạt động khắp Đông Dương, sang cả Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản… Nhưng đỉnh cao phát triển của Giang hải luân thuyền Bạch Thái Công ty là cuối những năm 1920 đầu 1930, khi ấy Bạch Thái Bưởi sở hữu trên 40 tàu, nhân viên lên tới 2.500 người với các văn phòng và chi nhánh ở Hà Nội, Nam Định, Tuyên Quang, Việt Trì, Bến Thủy, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Sài Gòn. Và cũng từ đó, Bạch Thái Bưởi được người đương thời mệnh danh là “chúa sông Bắc Kỳ” và là một trong 4 doanh nhân thành công nhất xứ Bắc Kỳ gồm Hoàng Trọng Phu, Bùi Huy Tín, Nguyễn Hữu Thu./.
Doanh nhân Sài Gòn