Ngay sau khi VietNamNet đăng tải bài viết về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có thông tin phản hồi. Trong đó, cơ quan này giành nhiều thời lượng để nói về trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan đến Quỹ bình ổn.
Trách nhiệm chính của Bộ Tài chính?
Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát Quỹ bình ổn giá xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, quy mô Quỹ; kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định về trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bộ Công Thương công bố mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá của từng kỳ điều hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính theo quy định để các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu áp dụng.
Các báo cáo về Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thương nhân gửi đến Bộ Công Thương để bộ này thực hiện công khai số dư Quỹ lên cổng thông tin điện tử của Bộ và để ước lượng số dư tổng thể của Quỹ trên cả nước nhằm phục vụ công tác điều hành giá xăng dầu.
Vụ Thị trường trong nước cũng trích dẫn hàng loạt điều khoản tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu để bảo vệ cho quan điểm kể trên.
Ngân hàng thu nợ doanh nghiệp bằng cách trích Quỹ bình ổn giá
Vụ Thị trường trong nước cũng đề cập đến báo cáo của một số doanh nghiệp đã bị Bộ Tài chính xử phạt vi phạm hành chính về Quỹ bình ổn giá. Phần lớn là lỗi không kết chuyển số dư Quỹ bình ổn giá vào tài khoản ngân hàng.
“Các doanh nghiệp báo cáo đã thực hiện nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính và khắc phục nộp dần số tiền trong khả năng tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm đó vào tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu”, Vụ Thị trường trong nước nêu.
Đặc biệt, cơ quan này cho hay, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, khi doanh nghiệp có số dư nợ tại ngân hàng thương mại – nơi doanh nghiệp mở tài khoản Quỹ Bình ổn, nhà băng đã tự động trích thu nợ từ các tài khoản khác của doanh nghiệp có số dư dương (trong đó có tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu) để khấu trừ công nợ của doanh nghiệp. Cho nên, doanh nghiệp khó duy trì số dư Quỹ bình ổn giá theo quy định.
Ngoài ra, trong phản hồi, cơ quan này cũng trấn an rằng, việc doanh nghiệp không kết chuyển số dư Quỹ bình ổn giá vào tài khoản ngân hàng hầu như không ảnh hưởng đến việc sử dụng Quỹ khi cần sử dụng theo công bố điều hành giá của liên Bộ Công Thương – Tài chính.
Lý do được Vụ Thị trường trong nước lập luận là, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá được áp dụng và tính luôn mức giảm vào giá bán lẻ xăng dầu cho người tiêu dùng nên doanh nghiệp sẽ bị giảm trừ phần chi Quỹ bình ổn giá vào doanh thu bán hàng.
Vụ Thị trường trong nước dẫn Khoản 3 Điều 37 (Nghị định 83) quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn thủ tục, việc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá theo quy định của pháp luật.”
Khoản 2 Điều 39 quy định: “Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát việc điều hành giá xăng dầu; giám sát việc trích lập, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá của thương nhân đầu mối.”
Vụ Thị trường trong nước cũng dẫn các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về trách nhiệm quản lý quỹ.
Khoản 26 Điều 1 quy định: “5. Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý về Quỹ bình ổn giá xăng dầu; quy mô Quỹ bình ổn giá xăng dầu; kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định về trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.”
Khoản 30 Điều 1 quy định: “2. Bộ Tài chính chủ trì kiểm tra giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định tại Điều 37 nghị định này; hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành giá cơ sở; hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý về Quỹ bình ổn giá; quy mô Quỹ bình ổn giá xăng dầu; kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định về trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá.”