Bộ Tài chính cho biết hai lần nhắc Xuyên Việt Oil – doanh nghiệp đã bị tước giấy phép và lãnh đạo vừa bị khởi tố – nộp số dư Quỹ bình ổn xăng dầu nhưng chưa được hồi âm.
Hôm nay cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, bị can và ra lệnh tạm giam với hai nữ Giám đốc, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil do vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Doanh nghiệp này đã bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép xuất, nhập khẩu xăng dầu từ ngày 11/8 và đề nghị doanh nghiệp chuyển nộp toàn bộ số tiền Quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách nhà nước. Xuyên Việt Oil cũng cần gửi bản sao chứng từ chuyển nộp tiền về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.
Nói với VnExpress bên lề họp báo Chính phủ tối 9/9, ông Phạm Văn Bình, Cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, bộ này đã có hai văn bản, gọi điện đôn đốc Xuyên Việt Oil nộp lại số tiền trên sau khi bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp chưa báo cáo Bộ Tài chính việc nộp số tiền trên.
Bên lề họp báo Chính phủ hôm nay, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho rằng, có nhiều lỗ hổng trong quản lý, kiểm soát kinh doanh xăng dầu. Theo ông, xăng dầu có lượng tiêu thụ lớn hàng ngày, là huyết mạch giống như không khí, nhưng việc để xảy ra tình trạng này cho thấy các doanh nghiệp không biết sợ.
Theo quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Quỹ bình ổn xăng dầu được lập tại doanh nghiệp khi Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, việc này cũng có thể dẫn tới nguy cơ doanh nghiệp chiếm dụng quỹ.
Trước câu hỏi tại sao để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lạm dụng quỹ bình ổn, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải nói chắc chắn phải rà soát lại các quy định cho phù hợp phát sinh thực tế. Ông so sánh trường hợp này giống như cấp bằng lái xe, nếu đi vào đường cấm hoặc gây tai nạn, người gây tai nạn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hay như câu chuyện thuế, nguyên tắc nợ thì doanh nghiệp phải nộp vào.
Trong khi đó, đại diện Bộ Tài chính cho hay, đầu mối chủ trì quản lý kinh doanh xăng dầu là Bộ Công Thương, song cơ quan này tiếp tục rà soát, phối hợp với bộ này để có pháp hợp lý nhất. Chẳng hạn, nếu vẫn để Quỹ bình ổn thì cần giải pháp đồng bộ hơn, như quy định rõ hơn vai trò trách nhiệm của ngân hàng ra sao với tài khoản doanh nghiệp xăng dầu mở tại đây; hoặc đẩy mạnh hóa đơn điện tử trong hoạt động bán hàng xăng dầu. Việc này nhằm minh bạch, góp phần quản lý, kinh doanh xăng dầu, trong đó bao gồm Quỹ bình ổn giá, tốt hơn.
“Cần giải pháp đồng bộ, đan xen nhau, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động phối hợp cùng Bộ Công Thương trong việc này”, ông nói.
Trước đó, trong góp ý gửi Bộ Công Thương khi sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính từng đề nghị thống nhất một đầu mối quản lý hoạt động xăng dầu, tức quản lý việc vận hành, các hoạt động liên quan, gồm cả Quỹ bình ổn xăng dầu.