Thời gian qua, trong khi một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành dệt may gặp khó khăn trong sản xuất do thiếu đơn hàng phải giảm lao động, giảm giờ làm, thậm chí phải tạm nghỉ việc, dừng việc thì vẫn có những doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tìm nhiều cách để có đủ việc làm, tăng ca, đảm bảo ngày công lao động, nguồn thu nhập và các chế độ phúc lợi, nhằm “giữ chân” người lao động.
Những năm trước, hoạt động sản xuất xuất găng tay và quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH ACE GLOVE TRADING, Khu công nghiệp Khánh Phú (Yên Khánh) luôn tấp nập, bận rộn. Năm nay, do ảnh hưởng khó khăn hậu COVID-19 và xung đột giữa Nga – Ukraine nên Công ty phải cắt giảm nhiều đơn hàng. Tuy nhiên, không để công nhân lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập, Công ty vẫn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, thậm chí chuyển sang sản xuất một số mặt hàng khác thay thế.
Chị Phạm Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH ACE GLOVE TRADING cho biết: Công ty có gần 200 công nhân, trong đó chủ yếu là lao động nữ. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong ngành dệt may, thời gian qua, Công ty cũng gặp một số khó khăn về đơn hàng, giá cả, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp… Tuy nhiên, Công ty vẫn tính toán để đảm bảo có đủ việc làm, thu nhập cho người lao động. Trước đây mặt hàng sản xuất chủ lực của Công ty là áo truyền thống Hanbok Hàn Quốc nhưng hiện Công ty đưa vào sản xuất thêm mặt hàng áo giắc-két. Các đơn hàng đã được Công ty đàm phán và ký kết đến hết năm 2023, đảm bảo có đủ việc làm cho người lao động.
Dù còn gặp khó khăn nhưng để người lao động yên tâm làm việc, Công ty vẫn duy trì các chế độ phúc lợi. Trong tháng 5-Tháng Công nhân, Công ty đã phát động phong trào thi đua cao điểm ở tất cả các phòng, bộ phận, chuyền may, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các đơn hàng, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, chất lượng, không sai sót…
Hiện, bình quân thu nhập của người lao động tại Công ty đạt 7-8 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ về bữa ăn ca, ăn trưa được thực hiện đầy đủ. Mỗi tháng, Công ty tham gia các loại bảo hiểm (BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp) cho người lao động với số tiền hơn 300 triệu đồng. Trong tháng 5, Công ty đã hoàn thành hơn 100 nghìn đơn áo giắc-két và gần 1 triệu sản phẩm áo truyền thống Hanbok Hàn Quốc.
Chị Lê Thị Mai, xã Khánh Hòa (huyện Yên Khánh) làm việc tại Công ty hơn 2 năm cho biết: Tôi rất hài lòng khi làm việc tại đây bởi môi trường thoáng mát, sạch sẽ, các chế độ phúc lợi được đảm bảo và duy trì đúng theo cam kết. Hiện mức lương của tôi khi chưa tăng ca là khoảng 7 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca, làm việc chăm chỉ, được xếp loại A, tôi sẽ có khoản thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, tại đây, có một chế độ mà tôi và nhiều công nhân rất cảm kích và không phải công ty nào cũng thực hiện được, đó là khoản hỗ trợ học phí cho con công nhân, mỗi tháng 300 nghìn đồng/cháu.
“Chúng tôi được hưởng các chế độ ưu đãi khác như bữa ăn trưa, ăn tăng ca, được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm theo quy định. Đối với các chế độ thưởng ngày lễ, tết, lương thưởng cuối năm đều được thực hiện sớm và đầy đủ. Sắp tới, chúng tôi cũng được Công ty tổ chức cho đi nghỉ mát để tái tạo sức lao động…. Theo nhiều bạn bè của tôi, hiện việc làm và nguồn thu nhập ở nhiều công ty trên địa bàn đã bị giảm do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới nên với tôi, được chăm lo, đảm bảo quyền lợi, các chế độ như hiện nay giúp tôi thấy yên tâm và cố gắng làm việc, gắn bó lâu dài với Công ty…” – chị Mai khẳng định.
Đi vào hoạt động được gần 1 năm nay, Công ty cổ phần cơ khí Moon Group, KCN Khánh Phú (huyện Yên Khánh) chuyên đúc sắt, thép công nghệ cao, chế tạo thiết bị và bảo trì các nhà máy công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong điều kiện kinh tế chung đang gặp khó khăn, lại vừa mới đi vào hoạt động và đang dần hoàn thiện về tổ chức, bộ máy, số lượng công nhân lao động nhằm ổn định sản xuất, Công ty luôn cố gắng để tuyển được và “giữ chân” người lao động.
Ông Phạm Thành Trung, Giám đốc Công ty cổ phần cơ khí Moon Group cho biết: Hiện Công ty có gần 450 lao động, trong đó chủ yếu là lao động nam, có trình độ tay nghề, kỹ thuật cao. Xác định Công ty muốn ổn định và phát triển thì phải có đội ngũ công nhân lành nghề, chất lượng cao và để giữ chân được những lao động này, Công ty luôn chú ý đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại sử dụng trong quá trình lao động. Đồng thời quan tâm đến chế độ phúc lợi cho người lao động như: việc làm, lương, thưởng, các đồ dùng, sản phẩm bảo hộ lao động để đảm bảo an toàn cao nhất cho người lao động.
Hiện nay, mức lương của người lao động tại Công ty cổ phần cơ khí Moon Group đạt từ 8-15 triệu đồng/người/tháng, tùy vào năng suất, chất lượng công việc mỗi người đạt được. Công ty luôn thực hiện đầy đủ, đúng quy định các chế độ về bảo hiểm xã hội, y tế, tai nạn lao động, thất nghiệp theo luật lao động, mỗi tháng đóng các loại bảo hiểm trên 700 triệu đồng. Đồng thời, Công ty phối hợp với BHXH huyện Yên Khánh kịp thời chi trả các chế độ cho người lao động khi xảy ra tai nạn lao động, trợ cấp thất nghiệp, các chế độ thai sản, ốm đau… Ngoài ra Công ty có chế độ thi đua khen thưởng hàng tháng nhằm khích lệ tinh thần làm việc, sáng tạo trong lao động, sản xuất của người lao động…
Anh Đào Văn Đương, công nhân xưởng đúc, Công ty cổ phần cơ khí Moon Group cho biết: Mặc dù công việc ở đây khá vất vả nhưng với sự quan tâm, động viên của Ban lãnh đạo Công ty, đầu tư đầy đủ các thiết bị về bảo đảm an toàn lao động như mũ, khẩu trang, găng tay, quần áo, kính mắt…, chúng tôi rất yên tâm làm việc. Với những lao động mới ra trường như chúng tôi, mức lương đạt trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng như hiện nay đã giúp ổn định cuộc sống sinh hoạt. Công ty cũng thường xuyên tổ chức và thực hiện các chế độ chăm lo đời sống cho người lao động nên chúng tôi xác định sẽ gắn bó lâu dài với Công ty.
Thực tế thời gian gần đây, không phải doanh nghiệp nào cũng đảm bảo được việc làm, thu nhập cho người lao động trong thời điểm khó khăn chung do tình hình hậu COVID-19 cũng như xung đột giữa Nga và Ukraine. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi thiếu nguyên vật liệu sản xuất, không xuất khẩu được hàng hóa, thậm chí phải dừng sản xuất hoặc cắt giảm lao động. Trước tình hình đó, mỗi doanh nghiệp đều ý thức được vai trò của người lao động để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt, cố gắng “giữ chân” người lao động ở lại. Để khi khó khăn qua đi, doanh nghiệp khôi phục, sẽ có nguồn lao động cũ tại chỗ, không phải tuyển dụng mới, nhanh chóng ổn định lại sản xuất.
Phạm Thị Thanh Xuân
(Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh)