APEC mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội song cũng có cả thách thức trong phát triển kinh tế. Doanh nghiệp cần nhanh chóng bắt nhịp để không bỏ lỡ cơ hội vàng và tận dụng hiệu quả cơ hội tiếp cận, khai thác thị trường châu Á – Thái Bình Dương. PV Báo Lao Động đã có buổi trao đổi với ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội về vấn đề này.
Doanh nghiệp Việt Nam cần phát triển để tận dụng hiệu quả cơ hội khai thác thị trường châu Á – Thái Bình Dương mang lại từ hợp tác APEC. Ảnh: Nam Khánh.
Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng và vai trò của Việt Nam trong khối APEC?
– Việt Nam được đánh giá là một trong những “con rồng” mới của khu vực. Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển chiến lược với vị thế và tầm vóc mới, tiếp tục đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương. Nền kinh tế của Việt Nam đang xếp thứ 46/132 quốc gia, tăng trưởng dương trong khi nhiều nước trong khu vực và thế giới tăng trưởng âm. Đặc biệt, nguồn vốn của các nước trong khối APEC vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam. Tất cả những yếu tố trên cho thấy Việt Nam có vị thế và uy tín nhất định trong khối APEC.
– Những diễn biến khó lường trên thế giới diễn ra trong thời gian qua đã tạo ra xu hướng thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông, những thách thức – thuận lợi của Việt Nam trong việc thu hút và tham gia chuỗi cung ứng khi tham gia APEC là gì?
Đầu tiên là các cuộc xung đột vũ trang ở một số khu vực trên thế làm tổng cầu giảm trong khi nguồn cung lớn gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Sức ép về lạm phát, tài chính sẽ khiến kinh tế vĩ mô của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Dẫn đến Việt Nam phải cân đối cả thị trường trong nước và quốc tế.
Tham gia APEC và thực hiện các cam kết về mở cửa thương mại, đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh góp phần tạo động lực thúc đẩy cải cách trong nước, từng bước hoàn thiện thể chế chính sách, quy định phù hợp với các cam kết quốc tế. APEC tạo tiền đề để Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào những sân chơi rộng lớn và có mức độ cam kết hơn như WTO, các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao.
Việc thực hiện các cam kết quốc tế cũng là đòn bẩy để hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm khiết, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cơ chế này cũng là tiền đề cho các doanh nghiệp thu hút đầu tư và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, là cơ hội để Chính phủ ban hành chính sách tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhất là về vốn, đầu tư hạ tầng giao thông, thương mại, xuất nhập khẩu.
Trong chuỗi cung ứng, Việt Nam có lợi thế thu hút về mặt bằng thuế và đất ưu đãi. Ngoài ra, nước ta đã thực hiện chuyển đổi số, phát triển nhiều sản phẩm công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo. Trang thiết bị và vùng nguyên liệu của Việt Nam đáp ứng cung cấp phát triển chuỗi cung ứng bền vững. Trước đây, nước ta chỉ sản xuất một trong nhiều giá trị của chuỗi giá trị. Nhưng nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn Việt Nam là đối tác tham gia sản xuất trong nhiều khâu, thậm chí hoàn thiện một sản phẩm. Từ đó, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt tăng mạnh so với các nước khác trong khu vực.
– Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần phát triển, điều chỉnh gì để không bỏ lỡ cơ hội vàng và tận dụng hiệu quả cơ hội khai thác thị trường châu Á – Thái Bình Dương mang lại từ hợp tác APEC?
Để đáp ứng với xu thế của khu vực và thế giới, các doanh nghiệp việt Nam cần đoàn kết theo chuỗi giá trị để liên kết ngành cùng hỗ trợ nhau phát triển. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại và đổi mới công nghệ quốc gia, tạo nhiều hội chợ công nghệ để doanh nghiệp nắm bắt được thị hiếu của thị trường đáp ứng nhà xuất khẩu khi đến Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần bổ sung vấn đề về tài chính, quản trị rủi ro và đổi mới về mẫu mã, mở rộng thị trường trong khối APEC. Chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng cao nhưng giá cả hợp lý để tăng sức cạnh tranh. Đặc biệt, nâng cao khả năng quản trị thương mại quốc tế thông qua việc đầu tư vào nguồn nhân lực có chất lượng cao để tạo dựng niềm tin.
Laodong.vn