Ngày 26/01/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 nhằm đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI mạnh.
Điều này góp phần đẩy mạnh xã hội sáng tạo, Chính phủ hiệu quả, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
Cụ thể mục tiêu này, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực và phát triển được 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao…
Việt Nam cũng hướng tới hình thành được 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về AI và có ít nhất 1 đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về AI dẫn đầu trong khu vực ASEAN.
Hiện tại, những “sếu đầu đàn” của ngành công nghệ Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT đã và đang phát triển rất mạnh mảng AI trong quá trình xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số cung cấp các giải pháp cho Chính phủ số, y tế điện tử, giáo dục điện tử, công nghệ 4.0, doanh nghiệp số, thành phố thông minh.
Sản phẩm AI “phổ biến” nhất là trợ lý ảo, khi các doanh nghiệp công nghệ này đều phát triển trợ lý ảo riêng, tập trung vào những phân khúc mà họ có lợi thế.
Trợ lý ảo được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực ở Việt Nam hiện nay như định danh điện tử, giám sát giao thông, trợ lý y tế cho bác sỹ, trợ lý tra cứu cho bộ ban ngành, lắng nghe mạng xã hội, chăm sóc khách hàng và người dân, hỗ trợ ra quyết định.
Tại VNPT, đơn vị này xây dựng hệ sinh thái công nghệ VNPT AI bao phủ tất cả các lĩnh vực nói trên với các sản phẩm như Giải pháp điểm danh, chấm công 4.0 – vnFace; Nền tảng định danh điện tử – VNPT eKYC, Nền tảng lắng nghe và giám sát mạng xã hội – VnSocial; Giải pháp hỗ trợ chăm sóc, tư vấn khách hàng – VNPT Smartbot; Nền tảng số hoá văn bản thông minh – vnReader…
Hệ sinh thái AI của VNPT được xây dựng từ hơn 100 engines AI do chính đơn vị này nghiên cứu và làm chủ. Trong đó, một số model AI như model nhận diện khuôn mặt, model phát hiện khuôn mặt thật giả, model nhận dạng ký tự quang học đều có độ chính xác lên tới 99,9999%.
Đặc biệt, VNPT hiện là đơn vị duy nhất nằm trong Top 15 thế giới hạng mục KIOSK – FRVT 1:1 và Top 10 thế giới hạng mục KIOSK – FRVT 1:N (khuôn mặt đa dạng màu da và dân tộc) của Viện Tiêu chuẩn công nghệ và Quốc gia Mỹ, đồng thời đạt chứng nhận ISO/IEC 30107-3 của iBeta – thành viên của hiệp hội FIDO (Fast IDentity Online Alliance).
Kết quả này khẳng định chất lượng các sản phẩm dịch vụ của VNPT AI có thể cạnh tranh vươn tầm thế giới, đánh dấu sự thăng tiến và trưởng thành về mặt công nghệ, tạo dựng niềm tin cho các khách hàng trong việc sử dụng các sản phẩm công nghệ trí tuệ nhân tạo Make in Viet Nam.
Gần nhất, VNPT cũng có những bước tiến trong việc ứng dụng AI vào lĩnh vực y tế. Cụ thể, Tập đoàn này đã hợp tác Bệnh viện nội tiết Trung ương để ứng dụng AI vào giải pháp chẩn đoán ung thư, hỗ trợ khoanh vùng các tổn thương nếu có, đánh giá mức độ tổn thương và đưa ra đánh giá dựa trên thang đo TIRADS cho các bác sĩ.
Tại Viettel, một số giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo nổi bật là Cyberbot, Reputa và Voice note.
Trong đó, Cyberbot có thể giao tiếp với khách hàng thông qua ngôn ngữ tự nhiên, trả lời tự động bằng văn bản các câu hỏi mà khách hàng đưa ra.
Chatbot này giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng và rút ngắn thời gian chờ đợi. Một phiên bản nâng cấp của Chatbot, tương tác với con người thông qua giọng nói dựa trên nền tảng công nghệ Tổng hợp và Nhận dạng tiếng nói. Callbot mang lại những trải nghiệm tự nhiên như tương tác với người thật, giúp tăng mức độ hài lòng của khách hàng
Reputa là hệ thống giám sát danh tiếng, lắng nghe thị trường, đánh giá hiệu quả truyền thông, thương hiệu dành cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Voice Note giúp tự động chuyển đổi các cuộc hội thoại tiếng Việt thành văn bản theo thời gian thực
Điểm nổi bật của AI Viettel là công nghệ xử lý hội thoại với giọng nói Tiếng Việt có chất lượng giống đến 96% giọng người thật, xử lý hiệu quả bài toán về phương ngữ vùng miền.
Một sản phẩm AI cũng khá nổi tiếng của Viettel là Trợ lý ảo pháp luật sở hữu hệ thống cơ sở tri thức ngành rất lớn. Cơ sở dữ liệu tri thức pháp luật này cho phép người dùng dễ dàng tra cứu nhanh và chính xác các văn bản pháp luật, hỗ trợ hoạt động tố tụng.
Khác với hệ thống tìm kiếm thông thường, trợ lý ảo pháp luật có thể chỉ dẫn văn bản pháp luật, án lệ; hướng dẫn xử lý những tình huống pháp lý cụ thể; giới thiệu những bản án, quyết định của Tòa án tương tự để tham khảo; hỗ trợ thẩm phán thực hiện các hoạt động tố tụng; và trong tương lai sẽ có thể hỗ trợ đưa ra đoán định tư pháp.
Tương tự, FPT.AI hiện đang cung cấp 4 sản phẩm: Trợ lý ảo tổng đài tự động tương tác 2 chiều, Trợ lý ảo thúc đẩy tương tác giữa doanh nghiệp với khách hàng thông qua trợ lý ảo đa kênh, Chuyển đổi giọng nói thành văn bản và văn bản thành giọng nói; và nhận dạng, trích xuất thông tin tự động từ hình ảnh.
Nguồn lực để xây dựng trợ lý AI bao gồm con người, hạ tầng, tri thức và chiến lược. Theo chuyên gia của VNPT, nguồn lực của họ hiện nay là hơn 120 chuyên gia AI và hơn 5.000 kỹ sư công nghệ thông tin. Hạ tầng GPU xử lý hàng triệu tỷ phép tính/giây và hạ tầng Big Data thực hiện 100 tỷ events/ngày.
Trong sự kiện mới dây, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cho biết Việt Nam có thể xây dựng vị thế vững chắc về AI và FPT đang chú trọng mở rộng mảng trí tuệ nhân tạo. FPT đã ký kết hợp tác với công ty Landing AI của Mỹ để tăng cường năng lực đào tạo. Họ cũng đã tham gia vào các cuộc đàm phán với gã khổng lồ AI Nvidia và các công ty Việt Nam khác để sử dụng AI cho lưu trữ đám mây, chăm sóc sức khỏe và các ứng dụng khác.
Ông Nguyễn Tiến Cường, Giám đốc VNPT AI cho biết, sản phẩm AI trên thế giới hiện nay đối mặt với một số vấn đề, bao gồm tính chính xác của đầu ra, tính bảo mật của dữ liệu, mức độ cập nhật dữ liệu và tính phụ thuộc khi sử dụng. Do vậy, trợ lý AI của người Việt nên phát triển theo hướng chuyên sâu cho một ngành, một lĩnh vực hay một nghiệp vụ cụ thể.
Đơn cử, VNPT đang tập trung làm chủ công nghệ và cung cấp sản phẩm AI trong các lĩnh vực nhận dạnh hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, xử lý âm thanh và phân tích dữ liệu. Họ hướng tới là đơn vị tiên phong áp dụng AI trong các ngành thế mạnh và sở trường như Chính quyền, viễn thông, y tế, giáo dục, tài chính.
Đơn vị này cũng đã xây dựng 6 giá trị cốt lõi khi cung cấp dịch vụ, đó là: Công nghệ (Technology), Chất lượng (Quality), Cam kết (Commitment), Trải nghiệm (Experience), Bảo mật (Security) và Chi phí (Cost).
Một mục tiêu khác của VNPT là cung cấp nền tảng, dịch vụ AI dưới dạng SaaS (Software as a Service) cho xã hội, doanh nghiệp, cá nhân cùng khai thác và phát triển.
Theo đó, các trợ lý AI của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể thay đổi cách người dùng làm việc, thay đổi cách lãnh đạo làm việc, thậm chí cả cách lập trình viên làm việc.
Trang Hiền