Điểm sáng xi măng, thép
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép thành phẩm các loại trong tháng 10 đạt 2,6 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng thép thành phẩm đạt 2,7 triệu tấn, tăng 9,43% so với tháng 9/2024 chủ yếu tăng trưởng ở thép xây dựng, ống thép và tôn mạ, nhưng chạm ngưỡng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng cao hơn so với sản xuất 100.000 tấn.
Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 2,603 triệu tấn, tăng 9,23% so với tháng 9/2024 (sản xuất thép xây dựng có mức tăng cao 21,18%, ống thép 16,67%, tôn mạ kim loại 7,12% còn lại cuộn cán nóng (HRC) và cán nguội (CRC) ghi nhận mức giảm); và cũng tăng 9,2% so với cùng kì năm 2023 (sản xuất ống thép có mức tăng cao nhất 31%, tiếp đến tôn mạ kim loại và sơn phủ màu tăng 28% và thép xây dựng 18,6%, trong khi HRC giảm 7,9% và CRC giảm 22,2%).
Giám đốc Nghiên cứu cao cấp ngành công nghiệp & công nghệ, Công ty CP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) Võ Thị Ngọc Hân cho biết, bức tranh ngành thép Việt Nam thị trường nội địa đang hồi phục mạnh mẽ với dòng thép xây dựng nhờ các hoạt động giải ngân mạnh dự án đầu tư công, trọng điểm như dự án Sân bay Long Thành; tái khởi động các dự án bất động sản sau khi có giấy phép xây dựng.
Dự báo tiêu thụ thép tại Việt Nam sẽ tăng trưởng bình quân 14% trong năm 2024 và tiếp tục tăng trưởng 11% trong năm 2025. Đây chính là những tín hiệu tích cực, khẳng định vai trò và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới.
Trong khi đó, với ngành xi măng, mới đây Bộ Xây dựng đã đưa ra dự báo về tình hình sản xuất và tiêu thụ xi măng năm 2025. Theo đó, năm 2025, dự báo tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, do ảnh hướng của xung đột vũ trang Nga – Ukraina, Israel – Hamas, một số quốc gia trên thế giới có thể sẽ xảy ra khủng hoảng, suy thoái kinh tế. Điều đó sẽ tác động đến kinh tế trong nước và ảnh hưởng tới xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành xi măng.
Hiện, cả nước đã đầu tư 92 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất thiết kế đạt 123 triệu tấn, hoàn toàn có khả năng sản xuất đủ xi măng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năm 2025. Bộ Xây dựng tính toán nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2025 khoảng 95 – 100 triệu tấn, tăng 2 – 3% so với năm 2024. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 60 – 65 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 30 – 35 triệu tấn.
Thị trường khởi sắc hơn
Về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025, theo nhận định của đại diện Ban Phân tích và Dự báo kinh tế Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam là nước có nền kinh tế hội nhập sâu rộng với toàn cầu, nên diễn biến của nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế Việt Nam 2025.
Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp tăng lên không nhiều; vốn khu vực Nhà nước tiếp tục là điểm tựa; vốn khu vực FDI năm 2025 sẽ tiếp tục là điểm sáng. Sức mua của người Việt Nam tăng, tuy nhiên tăng không nhiều vì thu nhập của lao động chưa có đột phá; thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, nhờ sự phục hồi thương mại toàn cầu và các hiệp định thương mại…
Năm 2025, địa chính trị trên thế giới vẫn có nhiều diễn biến khó lường, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế toàn cầu được đánh giá sẽ khởi sắc hơn nhờ phục hồi của tăng trưởng thương mại và kiểm soát lạm phát tốt hơn. Do vậy, một số chuyên gia kiến nghị, về thể chế, cần tiếp tục tăng cường tháo gỡ các rào cản khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã ban hành trong năm 2023 và 2024, cải cách các thủ tục kinh doanh để theo sát, theo đúng tín hiệu thị trường, vai trò của thị trường; hạ tầng cho phát triển;
Tiếp tục tập trung vào hỗ trợ sản xuất và hỗ trợ xuất khẩu, trong đó khai thác tốt các hiệp định thương mại, giảm rủi ro vận tải đường biển qua vùng xung đột quân sự, phòng vệ thương mại…
Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Khánh Toàn – Cố vấn thương hiệu Kobler tại thị trường Việt Nam cho biết, trong năm 2025 sẽ khả quan hơn. Triển vọng nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng sẽ tăng hơn so với năm 2024.
Bên cạnh đó, Chính phủ có thể sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ ngành vật liệu xây dựng thông qua gói kích cầu, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xanh hoặc đầu tư vào công nghệ mới. Cùng với đó sẽ tiếp tục siết chặt các quy định về chất lượng vật liệu xây dựng, an toàn lao động, và đảm bảo chất lượng công trình.
“Năm 2025, thị trường vật liệu xây dựng tại Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào nhu cầu cao từ các ngành xây dựng, bất động sản, và cơ sở hạ tầng. Các yếu tố như phát triển bền vững, công nghệ mới, và nhu cầu xây dựng công trình chống chịu thiên tai sẽ là những yếu tố chi phối sự phát triển của thị trường” – ông Vũ Khánh Toàn cho hay.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-vat-lieu-xay-dung-lac-quan-ve-trien-vong-thi-truong.html