Việt Nam có hàng trăm loài rong biển, nhiều loài có giá trị kinh tế cao, nhưng vẫn chưa mang lại giá trị tương xứng với tiềm năng.
Trên thế giới, nuôi trồng rong biển được phát triển khá mạnh tại Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines… Hàn Quốc đã đặt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD sản phẩm này chế biến vào năm 2027. Trong khi Việt Nam có hàng trăm loài rong biển, nhiều loài có giá trị kinh tế cao cùng với nhiều vùng biển thuận lợi cho phát triển kinh tế loại thủy sản này nhưng vẫn chưa mang lại giá trị tương xứng với tiềm năng.
Hơn 200 loài rong trên thế giới có thể sản xuất thương mại, với 27 loài chính mang lại giá trị khoảng 8,3 tỷ USD mỗi năm. Thương mại toàn cầu rong biển dự kiến có tốc độ phát triển gần 11% mỗi năm.
Việt Nam hiện cũng có hơn 820 loài rong tự nhiên; trong đó gần 90 loài có giá trị kinh tế. Rong chia làm 3 nhóm loài chính gồm rong sụn, rong câu, rong nho. Rong biển Việt Nam được phát triển hơn 10 năm trở lại đây. Diện tích rong biển của Việt Nam năm 2023 đạt 16.500 ha, với sản lượng 150.000 tấn. Rong biển được nuôi trồng nhiều ở vùng biển Bắc Bộ, tiếp đến là Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ…; tập trung ở một số địa phương như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kiên Giang…
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết: Chi phí đầu tư để nuôi rong biển rất thấp, tuy nhiên đây lại là ngành hàng có giá trị kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường tốt. Rong biển không chỉ làm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón… mà đây còn là ngành kinh tế xanh.
Bởi, không chỉ đem lại giá trị kinh tế về sản phẩm hàng hóa, rong biển còn là kho báu về tín chỉ carbon. Rong biển có khả năng hấp thụ carbon gấp 2-5 lần thực vật trên cạn như cây rừng; một số loài có thể lưu trữ gấp 20 lần so với cây rừng. Theo các chuyên gia, rong biển giúp làm sạch môi trường biển rất hiệu quả. Nếu nuôi trồng rong biển được, phát triển được du lịch tức là đã cải thiện được môi trường biển nơi đó. Rong biển đang được đánh giá là sản phẩm nuôi trồng đa mục đích.
Tuy mang lại đa giá trị, song rong biển ở Việt Nam hầu như đang bị lãng quên, ít được quan tâm hơn so với các đối tượng như cá hoặc giáp xác. Nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rong biển vẫn theo hình thức tự phát và chưa hình thành liên kết chuỗi. Cũng bởi do còn khá khiêm tốn doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sản phẩm này, chưa phát triển thành ngành công nghiệp chế biến với sản phẩm giá trị gia tăng cao. Do đó, giá rong biển nguyên liệu còn thấp và bấp bênh. Người dân ven biển cũng chưa mặn mà với rong biển.
Vừa qua, sau hậu quả nặng nề của cơn bão số 3, các vùng biển ở Quảng Ninh đã được doanh nghiệp hỗ trợ giống rong biển, hỗ trợ ngư dân “lấy ngắn nuôi dài” trong khôi phục sản xuất. Ông Phạm Quốc Chính, Chủ tịch STP Group đánh giá, rong biển có thể nuôi trồng xen canh. Do đó, ngư dân vẫn sẽ bám nghề, bám biển khi nuôi trồng đa tầng, đa đối tượng để phát huy giá trị cao hơn.
Trong chiến lược phát triển ngành thủy sản, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sản lượng rong, tảo biển các loại đạt khoảng 180.000 tấn; năm 2030 là 500.000 tấn. Để đạt được các mục tiêu đó, thời gian tới, ngành hàng rong biển nước ta tập trung phát triển nuôi trồng với đối tượng chính là rong nho, rong câu chỉ vàng, rong sụn hay một số giống rong nhập.
Đến nay, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Hải sản đã làm chủ được công nghệ và chủ động sản xuất hàng loạt cây mầm rong sụn biển chất lượng cao thông qua quy trình kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật, sản xuất giống số lượng lớn phục vụ trồng thâm canh đại trà với mục đích thương mại. Thành công có giá trị lớn trong đáp ứng nhu cầu trồng rong sụn của các địa phương.
Để khai thác được tiềm năng này, ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản cho rằng cần ưu tiên quy hoạch trồng rong biển; nghiên cứu, chọn, nhập giống cải tạo; có các chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả nghề trồng rong cũng như xây dựng, kết nối mạng lưới sản xuất rong biển.
Theo ông Trần Đình Luân, Việt Nam có diện tích mặt biển lớn, nhiều giống rong chất lượng là điều kiện thuận lợi để mở rộng và phát triển vùng trồng rong biển. Thời gian tới cần mở rộng nghiên cứu, chọn tạo các giống rong chất lượng, phục vụ cho những mục đích khác nhau. Đặc biệt là việc khép kín liên kết chuỗi từ cây giống, vùng trồng, sản xuất, thương mại, tiêu thụ, đặc biệt là có sự tham gia của doanh nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm đầu ra có giá trị gia tăng cao.