Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay biên chế cho tổ chức công đoàn địa phương được cấp trong gói biên chế chung của khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị – xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của doanh nghiệp, người lao động, đoàn viên công đoàn, nhiệm vụ của công đoàn ngày càng nặng nề nhưng biên chế lại rất ít.

Đến tháng 3/2024, tổng số biên chế công đoàn địa phương là 5.119, con số này đang thiếu so với nhu cầu thực tế.

Ông Hiểu cho biết, nhiều công đoàn cơ sở hiện nay phải chấp nhận chủ doanh nghiệp tự tuyển người làm cán bộ công đoàn do không có cán bộ chuyên trách. Những cán bộ này do người sử dụng lao động trả lương nên khó có tiếng nói độc lập, mạnh mẽ.

A58I6807.jpg
Cán bộ công đoàn cần có tiếng nói độc lập bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Ảnh minh hoạ: Lê Anh Dũng.

Trước thực tế này, Tổng Liên đoàn lao động đề xuất ở những doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên cần bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách do công đoàn trả lương. 

Cán bộ công đoàn chuyên trách này sẽ làm việc theo hợp đồng lao động để thuận lợi trong việc xử lý các vấn đề về cán bộ và trả lương, phù hợp với mặt bằng chung của doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến góp ý sửa đổi Luật Công đoàn đồng tình với quy định này, cho rằng việc Tổng Liên đoàn quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách làm việc theo hợp đồng lao động là cần thiết trong bối cảnh đoàn viên và cơ sở công đoàn liên tục phát triển.

Làm tốt vai trò bảo vệ quyền lợi người lao động

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết Luật Công đoàn sửa đổi là đạo luật khó, vừa bảo đảm vai trò tổ chức chính trị – xã hội của công đoàn, vừa làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ người lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến, dự thảo Luật sẽ được báo cáo tại hội trường Quốc hội vào ngày 24/10 và thông qua vào ngày 26/11.

Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi được kỳ vọng đáp ứng yêu cầu mới, đảm bảo quyền lợi người lao động, giúp Công đoàn Việt Nam phát triển trong môi trường cạnh tranh quốc tế khi các tổ chức đại diện người lao động ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam đang dần xuất hiện.