Dự hội nghị có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản trên địa bàn Quảng Nam.
Những năm qua hoạt động xuất nhập khẩu của Quảng Nam đối với nhóm hàng thủy sản đã từng bước được cải thiện và tăng dần tỷ trọng. Theo số liệu của Cục Hải quan Quảng Nam, giai đoạn 2020-2023 kim ngạch xuất khẩu 88 triệu USD, đạt tốc độ tăng trưởng 2,5%/năm. 8 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu đạt trên 15 triệu USD, trong đó tập trung vào các mặt hàng: bạch tuộc, bánh nướng nhân thuỷ sản đông lạnh, cá các loại, mực, tôm đông lạnh, cá ngừ steak, cá khô tẩm gia vị.
Tuy nhiên, ngành thủy sản Quảng Nam cũng còn nhiều khó khăn như quy mô xuất khẩu còn nhỏ; thủy sản xuất khẩu chủ yếu là hàng thủy sản chế biến; hạ tầng thủy sản chưa được đầu tư công nghệ hiện đại; giá trị gia tăng ngành thủy sản còn thấp; mới có ít doanh nghiệp thủy sản có mô hình ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm tôm; doanh nghiệp thủy sản còn thiếu liên kết…
Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam cho biết, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tăng dần thủy sản nuôi; đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi thủy hải sản công nghệ cao, hiện đại; hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp với các hộ nuôi trồng thủy sản; tăng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ để tận dụng được các lợi thế từ các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA… “Thông qua tọa đàm, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam mong muốn mang lại thông tin hữu ích cho các đơn vị liên quan trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản. Đồng thời, xây dựng được hệ sinh thái để cùng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tận dụng tối đa cơ hội, hạn chế rủi ro từ các FTA để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa”, ông Hường Văn Minh nhấn mạnh.
Hệ sinh thái tận dụng FTA – chắp cánh cho ngành thủy sản thâm nhập thị trường
Tại toạ đàm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Quảng Nam thừa nhận vẫn chưa tận dụng hết lợi thế và dư địa của các hiệp định thương mại tự do mang lại. Do vậy, các doanh nghiệp cho rằng, để có thể tìm được lời giải cho bài toán này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng mong muốn Bộ Công Thương tích cực hơn trong vai trò là cơ quan đầu mối về đàm phán và thực thi FTA, tiếp tục kết nối với bộ ngành, địa phương, hiệp hội và các bên liên quan tạo hệ sinh thái liên kết giúp ngành thủy sản tận dụng FTA hiệu quả. Đồng thời, tìm ra giải pháp tốt nhất giúp ngành thủy sản tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA cũng như hiện thực hóa các giải pháp để ngành thủy sản Việt Nam xây dựng tốt hơn hệ sinh thái, đẩy mạnh xuất khẩu.
về phía Bộ Công Thương, ông Ngồ Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, Bộ Công Thương đang được giao thực hiện xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA. Bộ đang lấy ý kiến các chủ thể, doanh nghiệp, địa phương để xem tính khả thi và những vấn đề nào cần triển khai. Trước mắt, Bộ sẽ làm thí điểm ở một số khu vực, ngành hàng; nếu mô hình thành công thì việc xử lý những khó khăn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Bởi sự phối hợp giữa các chủ thể trong quá trình xây dựng hệ sinh thái đều hướng đến mục đích chung đó là giải quyết được bài toán nội bộ, để gia tăng được năng lực của các sản phẩm, ngành hàng và tận dụng được những cơ hội của thị trường mà Việt Nam đã có các FTA.
Mục tiêu của Hệ sinh thái tận dụng các FTA trong lĩnh vực thủy sản nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các FTA; xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác; thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Theo đó, hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành hàng thủy sản sẽ là cách tiệp cận mới, căn bản, quan trọng giúp doanh nghiệp xuất khẩu và toàn ngành thủy sản tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/toa-dam-ve-he-sinh-thai-tan-dung-cac-fta-trong-do-co-hiep-dinh-evfta-linh-vuc-thuy-san-tai-quang-nam.html