Sau hơn một năm kết quả lao dốc do điều kiện thủy văn không thuận lợi, nhóm doanh nghiệp thủy điện kỳ vọng kinh doanh sẽ khởi sắc khi hiện tượng La Nina quay lại.
Kỳ vọng La Nina quay lại sau giai đoạn El Nino
Hiện tượng El Nino kéo dài dẫn tới sản lượng điện của nhà máy thủy điện liên tục suy giảm, sau khi đạt đỉnh năm 2022. Khi El Nino có dấu hiệu chấm dứt vào nửa đầu năm 2024, giới quan sát kỳ vọng hiện tượng La Nina sẽ sớm quay lại. Theo đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, hiện tượng La Nina sẽ quay lại từ tháng 8/2024 và kỳ vọng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện dần hồi phục, tăng trưởng mạnh trong năm 2025.
Dữ liệu của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Khí hậu (IRI) cho thấy, hiện tượng La Nina thường kéo dài từ 9 – 12 tháng, hoặc thậm chí lên đến 2 năm. La Nina kéo dài sẽ giúp các doanh nghiệp thủy điện hưởng lợi sau khi liên tục suy giảm sản lượng. Theo quan sát của VDSC, sản lượng thương phẩm của các công ty thủy điện trong chu kỳ La Nina cao hơn chu kỳ El Nino khoảng 10-20%.
Không còn nhận định thận trọng về lĩnh vực thủy điện như tại Đại hội đồng cổ đông đầu năm 2024, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã REE) cho biết: “Triển vọng của nhóm nhà máy thủy điện giai đoạn cuối năm 2024 sẽ cải thiện sản lượng, với dự báo xác suất xảy ra La Nina là cao, cường độ ảnh hưởng mạnh”.
Được biết, đối với ngành thủy điện, có nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Trong đó, doanh nghiệp lớn nhất phải kể tới Cơ Điện Lạnh – sở hữu tổng công suất vận hành 1.364 MW, điện năng sản xuất lên tới 6.173 triệu kWh và đây là lĩnh vực đóng góp chính vào cơ cấu lợi nhuận lĩnh vực năng lượng trong nhiều năm qua.
Rào cản hệ số Alpha cao
Mặc dù kỳ vọng hiện tượng La Nina quay lại có thể giúp các nhà máy thủy điện tăng sản lượng điện trong nửa cuối năm 2024, nhưng rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp thủy điện hiện nay là việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp khó khăn dòng tiền, kinh doanh thua lỗ, nên đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ổn định dòng tiền, cố định chi phí, trong đó có việc thay đổi tỷ lệ Alpha đối với nhóm thủy điện.
Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Cơ Điện Lạnh, ông Huỳnh Thanh Hải (mới miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Công ty từ ngày 1/7/2024) cho biết, trong năm 2024, hệ số Alpha tăng lên mức 98% (giai đoạn 2020 – 2023 là 90%). Điều này có nghĩa là các nhà máy chỉ còn 2% lượng điện sản xuất được tham gia thị trường cạnh tranh, còn lại 98% là sản lượng điện được tính theo hợp đồng.
VDSC cũng nhận định, ở mức Alpha cao như trên, các nhà máy thủy điện khó có khả năng tăng hiệu quả vận hành ở những thời điểm giá điện thị trường cao. Điều này tạo sức ép đối với kết quả kinh doanh của các nhà máy thủy điện – vốn phụ thuộc vào thị trường phát điện cạnh tranh để cải thiện hiệu quả hoạt động.
Có thể thấy, năm 2024, yếu tố thuận lợi và bất lợi đang đan xen với nhóm doanh nghiệp thủy điện. Trong đó, các doanh nghiệp hưởng lợi từ hiện tượng thủy văn thuận lợi hơn, nhưng tỷ lệ sản lượng điện được tham gia thị trường điện cạnh tranh suy giảm, vì vậy khó cải thiện được hiệu quả biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng như những năm trước.
Được biết, trong năm 2023, nhóm doanh nghiệp thủy điện như Cơ Điện Lạnh, Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (mã VSH), Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (mã TTA), Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na (mã HNA)… đều ghi nhận biên lợi nhuận gộp và ròng thu hẹp khá mạnh. Bước sang năm 2024, quý I, lợi nhuận của Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh giảm tới 99,6%, về 1,77 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm, Thủy điện Hủa Na ghi nhận lỗ 13,87 tỷ đồng, giảm 129,6% so với cùng kỳ.
Nguồn: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-thuy-dien-hy-vong-kinh-doanh-khoi-sac-d221622.html