Các quy định mới về phòng cháy chữa cháy đang khiến nhiều doanh nghiệp mắc kẹt. Nhiều công trình đầu tư vốn lớn ngưng trệ vì chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy vướng ở chỗ chính doanh nghiệp cũng không biết phải đáp ứng như thế nào.
VietNamNet đăng tải tuyến bài phản ánh thực tế này trên nhiều địa phương cũng như ý kiến từ cơ quan quản lý xung quanh vấn đề này.
Doanh nghiệp kêu tốn kém, Bộ nói “giúp tiết kiệm”
Liên quan đến quy chuẩn phòng cháy chữa cháy (PPCC) đang gây vướng mắc trong cộng đồng doanh nghiệp, PV VietNamNet đã trao đổi với ông Lê Minh Long – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) – đơn vị chủ trì xây dựng Quy chuẩn 06:2022/BXD.
Theo ông Long, “mục đích ra đời của phiên bản QCVN 06:2022/BXD là nhằm tháo gỡ một số vướng mắc và khi QCVN 06:2022/BXD được áp dụng sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo an toàn về PCCC”.
“Quy chuẩn các phiên bản sau đều tốt hơn so với phiên bản trước vì được cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ cũng như từ thực tiễn.
Vấn đề ở đây là cần hiểu và áp dụng đúng các yêu cầu kỹ thuật nêu trong quy chuẩn”, ông Long nói.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), vấn đề là giải thích tập huấn hướng dẫn và đây là trách nhiệm của Bộ Xây dựng.
Vị này cho hay, thực tế, ngay khi ban hành quy chuẩn, trong vòng 2 tuần đầu tiên, Bộ đã tập huấn tại nhiều địa phương để cho thấy sự cần thiết của quy chuẩn và để sớm đi vào thực tế.
Về việc thực hiện chuyển tiếp của quy chuẩn, ông Long đánh giá đây là vấn đề quan trọng.
“Nhiều doanh nghiệp trong quá trình dự thảo từ tháng 7 đến tháng 10/2022 đã nhìn thấy nhiều điểm tích cực nên dừng lại và chờ đợi quy chuẩn mới để được áp dụng thuận tiện hơn, tiết kiệm chi phí hơn… đáp ứng đúng yêu cầu về PCCC mà vẫn mang tính hiệu quả kinh tế”, ông Long nói.
Liên quan đến quy định sử dụng các vật liệu xây dựng chống cháy, trong đó có sơn chống cháy, nhiều doanh nghiệp phản ánh hiện tại trong danh mục những loại sơn được lưu hành tại Việt Nam lại không có các loại sơn chống cháy.
Điều này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp dẫn đến hệ quả không nghiệm thu được công trình mới.
Vụ Khoa học công nghệ và môi trường khẳng định là quy chuẩn 06:2022/BXD hay các phiên bản trước đây chỉ đưa ra các yêu cầu về an toàn cháy đối với vật liệu xây dựng mà không bắt buộc phải dùng cụ thể loại vật liệu nào.
Tùy theo tính hợp lý về kinh tế – kỹ thuật mà lựa chọn giải pháp thiết kế cho phù hợp. Nếu cấu kiện hoặc kết cấu mà không đáp ứng yêu cầu về giới hạn chịu lửa ứng với bậc chịu lửa của nhà hoặc công trình thì cần phải có giải pháp bảo vệ chống cháy tăng cường.
Các giải pháp bảo vệ chống cháy có thể là: dùng sơn, ốp gạch, bê tông…, dùng vữa thông thường, kể cả vữa xi măng, hoặc vữa chống cháy, hoặc bọc bằng bê tông tạo thành kết cấu liên hợp, hoặc thay hẳn bằng vật liệu khác (ví dụ như thép thay bằng bê tông) và còn nhiều giải pháp khác nữa. Điều này đòi hỏi các đơn vị tư vấn phải có đủ năng lực và kinh nghiệm.
Theo ông Long, vấn đề cần thực hiện nhiều hơn là phổ biến, tập huấn, hướng dẫn đã được quy định trong quy chuẩn.
Lãnh đạo vụ cho biết, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp cùng lực lượng chuyên trách của Bộ Công an thực hiện, quản lý, giám sát PCCC tổ chức hội thảo, tập huấn để các đơn vị hiểu đúng, đầy đủ về kỹ thuật của quy chuẩn.
Sẽ rà soát phản ánh của doanh nghiệp
Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định, nguyên tắc chuyển tiếp thì Bộ Xây dựng đã thống nhất với Bộ Công an là nếu thẩm duyệt rồi thì có 2 lựa chọn. Đó là có thể làm theo phương án đã thẩm duyệt hoặc theo quy chuẩn 2022 mới.
Thủ tục sẽ theo thủ tục hành chính của cơ quan thẩm định, thẩm duyệt – ông Long nói.
Cũng theo vị Phó Vụ trưởng, việc rà soát, sửa đổi quy chuẩn, nghị định hay luật là nhiệm vụ thường xuyên, khi có vấn đề bất cập thì phải rà soát sửa đổi cho phù hợp.
Liên quan đến chỉ đạo trong công điện mới đây của Thủ tướng, ông Long cho hay Vụ sẽ thực hiện theo yêu cầu của Bộ Xây dựng. Đơn vị này cũng sẽ cập nhật, theo dõi thường xuyên các ý kiến, phản ánh của doanh nghiệp, người dân để xử lý kịp thời.
Quá trình đưa ra quy chuẩn, ông Long khẳng định đã được thực hiện qua nhiều bước và theo đúng quy trình, quy định trong đó có lấy ý kiến nhân dân, các doanh nghiệp, hiệp hội… trên toàn quốc. Các tỉnh cũng được yêu cầu gửi ý kiến về Bộ Xây dựng.
“Quy chuẩn đã được nghiên cứu, tham khảo quy chuẩn nhiều nước trên thế giới như Nga, Mỹ, Singapore… và dựa trên thực tế phù hợp với Việt Nam. Đánh giá quy chuẩn Việt Nam vào hạng cao nhất thế giới là không đúng. Thực tế nước ta không giống ở nước ngoài” – ông Long nói.