Thị trường Việt Nam có được lòng tin của doanh nghiệp Pháp, mặt khác còn rất nhiều cơ hội tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào nền kinh tế châu Âu này. Đó là nhận định của Tổng Giám đốc Thương vụ Pháp (Business France) Saint Martin trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam.
Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt vào thị trường Pháp
Lý giải cho những cơ hội này, ông Martin khẳng định đó là nhờ sự song trùng của hai nước trong chiến lược phát triển, với cam kết chung mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu và ưu tiên nền kinh tế xanh, bền vững và đổi mới sáng tạo.
Hiện có 230 doanh nghiệp Pháp đang hiện diện tại Việt Nam, nhiều trong số đó thuộc nhóm CAC40 (cộng đồng doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất của Pháp).
Là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 2 tại Việt Nam với quy mô 25.000 lao động, đa dạng trên nhiều lĩnh vực, Pháp cũng đang tham gia triển khai nhiều dự án lớn tại Việt Nam, trong đó có tuyến Metro số 3. “Đây là những minh chứng cho niềm tin của doanh nghiệp Pháp vào thị trường Việt Nam,” ông Martin nhấn mạnh.
Mặt khác, theo lãnh đạo Business France, một số nhà đầu tư Việt Nam tại thị trường Pháp cũng đang hoạt động rất hiệu quả, có thể kể đến như Vinfast, FPT Software,…
“Một số phần mềm của FPT đóng vai trò trong hoạt động của Airbus và chúng tôi kỳ vọng mở rộng chúng trong ứng dụng xe hơi,” Tổng Giám đốc Thương vụ Pháp chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.
Lưu ý quá trình tái công nghiệp hóa tại Pháp, ông Martin cho biết, Paris sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào các sản phẩm góp phần giảm phát thải carbon, xây dựng chuỗi giá trị hướng tới tương lai như phụ kiện xe điện, bán dẫn… Việc này mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam đã được phía Pháp nhìn nhận đánh giá cao. “ Pháp khuyến khích các hoạt động kinh tế đổi mới sáng tạo, đưa ưu đãi thuế cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Một khi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào sẽ được hưởng y hệt các doanh nghiệp Pháp,” ông Martin cho biết.
Ông Martin cũng tiết lộ, trong khuôn khổ chuyến thăm, qua trao đổi với Bộ Công thương, hai bên cũng đề đề cập tới lĩnh vực tiềm năng lớn là hàng hải, tăng cường xuất khẩu qua hàng hải.
Kỳ vọng với môi trường đầu tư Việt Nam
Ông Martin nhận định, đối với Pháp, thị trường Việt Nam với hơn 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu gia tăng cũng rất tiềm năng.
Theo đó, tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng của Pháp sang Việt Nam vẫn còn rất lớn, hướng đến các thế mạnh như lương thực thực phẩm, và thời gian tới là các sản phẩm có hàm lượng sáng tạo cao, thân thiện với môi trường.
Dẫn kinh nghiệm từ Pháp, ông Martin lưu ý Paris đã có nhiều nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, từ đưa mức thuế doanh nghiệp giảm từ 30% xuống 25%, cùng nhiều cải cách trong tuyển dụng lao động. Những chính sách này mang lại cho nền kinh tế Pháp tính chống chịu hiệu quả bất chấp đại dịch Covid-19 vừa qua hay những cuộc xung đột trên thế giới gần đây.
Cũng về vấn đề này, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet nhấn mạnh kỳ vọng trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục triển khai đầy đủ nghiêm túc Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA); tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập cảnh, cấp giấy phép lao động của nhân sự chất lượng cao. Nhìn chung là mong mỏi về khung pháp lý rõ ràng, có tính dự đoán hơn, góp phần tạo môi trường đầu tư Việt Nam hấp dẫn hơn.
Khẳng định quyết tâm hội nhập và đổi mới trong 30 năm qua của Việt Nam được quốc tế ghi nhận, Đại sứ cũng lưu ý những vấn đề mới nổi trên toàn cầu như già hóa dân số, dịch bệnh, nhu cầu mới, ảnh hưởng đến yếu tố chi phí lao động. “Việt Nam không thể chỉ dựa vào lao động giá rẻ như hiện tại mà cần chuyển sang thị trường giá trị gia tăng và nền kinh tế linh hoạt hơn,” Đại sứ cho biết.
“Pháp sẵn sàng đồng hành với Việt Nam thông qua các lĩnh vực đào tạo, giáo dục và tham gia đầu tư hoạt động kinh doanh,” Đại sứ Olivier Brochet nhấn mạnh.
Lý giải động lực cho hợp tác kinh tế Việt – Pháp
“Có 3 lĩnh vực hợp tác cụ thể mà lãnh đạo Việt Nam và Pháp đề cập trong những tiếp xúc cấp cao gần đây. Thứ nhất, các lĩnh vực an ninh quốc phòng giúp hỗ trợ Việt Nam bảo vệ chủ quyền. Thứ hai, đồng hành giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, trong đó các lĩnh vực tiềm năng như là nông nghiệp công nghệ cao và Thứ ba, đổi mới sáng tạo, năng lượng, giao thông, trong tương lai có thể là hàng không, vũ trụ…”
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet
“Mọi mối quan hệ đều phát triển dựa trên nền tảng con người, hiểu biết và sự gần gũi,” Đại sứ Pháp lý giải cho câu chuyện hợp tác thành giữa Pháp và Việt Nam, trên mọi lĩnh vực bao gồm kinh tế.
Hiện có 7.000 du học sinh Việt Nam tại Pháp, đồng thời trong lĩnh vực y tế, khoảng 3.000 y bác sĩ Việt Nam được đào tạo tại Pháp. Những con số chỉ phần nào đã cho thấy hợp tác giao lưu Nhân dân khăng khít giữa hai nước.
Đại sứ cũng nhấn mạnh tình hữu nghị tin cậy giữa hai nước, được thể hiện rõ khi Pháp đóng góp rất tích cực vào quá trình đàm phán và triển khai EVFTA.
“Khi hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này, chúng tôi kỳ vọng đồng hành với các bạn không chỉ trong hội nhập quốc tế mà còn nâng cao trình độ, tăng cường sức mạnh kinh tế. Một khi chinh phục được thị trường châu Âu khó tính, sản phẩm của Việt Nam có thể vươn ra thế giới hơn nữa,” ông Olivier Brochet khẳng định.