Quy định trong quản lý tài sản công và thiếu phương pháp định giá công nghệ đang khiến mô hình doanh nghiệp spin-off không đạt kỳ vọng thúc đẩy thương mại hóa công nghệ từ trường đại học.
Chủ trương hình thành các doanh nghiệp khởi nguồn từ các tổ chức khoa học và công nghệ (spin-off) hứa hẹn nhiều đóng góp trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, “hiện các chính sách pháp luật còn rào cản dẫn tới bên cung và bên cầu gặp nhau nhưng không thể đưa các kết quả nghiên cứu ra thị trường”, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nói tại tọa đàm ngày 27/6.
Nêu thực tế tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Việt Long, PGĐ Trung tâm Đổi mới sáng tạo nông nghiệp cho biết, Học viện đã xây dựng đề án phát triển các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ nhằm đưa nghiên cứu chuyển giao sản phẩm giống cây trồng, vật nuôi. Năm 2007 đã chuyển giao giống lúa giá trị một triệu USD. Nhưng hiện nay việc phát triển các doanh nghiệp spin-off gặp khó, vì vướng mắc với quy định quản lý tài sản công, nhất là với đề tài sử dụng ngân sách nhà nước.
TS Vũ Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội làm rõ thêm, phương pháp định giá theo thị trường và định giá theo kỳ vọng ứng dụng công nghệ đều không thực hiện được, không tổ chức nào dám định giá vì rủi ro pháp lý. Ví dụ, một đề tài Nhà nước hỗ trợ là 1,5 tỷ đồng sau khi kết thúc lại định giá bằng 1,5 tỷ đồng. “Chẳng lẽ toàn bộ thời gian công sức nhà khoa học và tổ chức chủ trì đóng góp vào đề tài lại bằng không đồng sau vài năm nghiên cứu”, ông nói và cho biết điều này sẽ làm méo mó thị trường. Đại học Quốc gia từ chối phương pháp định giá bằng chính số tiền Nhà nước hỗ trợ đề tài.
Một khó khăn khác được PGS. TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, trường Đại học Cần Thơ nêu, Luật quản lý sử dụng tài sản công quy định giao quyền sử dụng, quyền sở hữu cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Đây là yếu tố khiến khó phát huy kết quả. “Các giảng viên không muốn làm nghiên cứu, dành nhiều thời gian cho giảng dạy, không đầu tư cho nghiên cứu và động lực nghiên cứu không còn”, ông nói. Các khó khăn trong việc thiếu phương pháp định giá công nghệ khiến các hợp đồng chuyển giao chưa thể hiện đúng giá trị.
Theo TS Lê Tất Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu hệ gene, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa vốn đã yếu nay đang chậm lại, có nơi dừng hẳn không chuyển giao vì sợ rủi ro pháp lý, nhất là Luật tài sản công. Hoạt động chuyển giao cũng gặp khó vì không thể chuyển công nghệ ra là có lãi ngay.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đề xuất cần tháo gỡ điểm nghẽn, hạn chế về chính sách nhằm chuyển giao công nghệ một cách chính thống.
TS Nguyễn Trung Dũng, CEO BK Holdings, cho biết các trường đại học có thể lựa chọn các mô hình phù hợp nhằm chuyển giao công nghệ, đưa tài sản trí tuệ ra thị trường. Có thể để nhà khoa học đóng góp với vai trò CTO công nghệ giúp kết quả được chuyển giao mà vẫn giữ chân được các nhà khoa học với vai trò dẫn dắt.
Còn PGS Khôi cho rằng, bên cạnh việc đơn giản hóa các thủ tục, cần áp dụng cơ chế đặt hàng, khoán sản phẩm nghiên cứu, kinh phí thực hiện đề tài, tăng tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động thương mại hóa. Bên cạnh đó cần có chính sách và cơ chế liên kết 4 nhà, hỗ trợ địa phương hoặc doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm thế mạnh.
Ông Phạm Đức Nghiệm cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Bộ Tài chính bổ sung điều chỉnh các quy định của Nghị định 70 hướng dẫn việc quản lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học. “Đây là thời điểm cần có chính sách mới để phát triển thị trường khoa học công nghệ, trong đó hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp spin-off”, ông nói.
Như Quỳnh