Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2024 kinh tế Việt Nam đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ, dần lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch Covid-19, với nhiều điểm sáng, nhất là trong xuất khẩu và thu hút FDI.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2024 của nước ta ước đạt 715,55 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 369,93 tỷ USD, tăng lần lượt 15,4% và 14,4% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu đạt 24,31 tỷ USD.
Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam 11 tháng năm 2024 cũng đạt gần 31,38 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, vốn thực hiện cao nhất của 11 tháng các năm trở lại đây, ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. GDP cả năm nay dự báo ước đạt từ 6,8-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6-6,5%). Vì vậy, Việt Nam được xếp vào những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao.
Ngoài ra, một trong những điểm sáng của nền kinh tế là hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực khi chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) 11 tháng năm 2024 ước tính tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%, đóng góp 8,5 điểm phần trăm trong mức tăng chung. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm tăng 4,4% so với cùng thời điểm năm trước; đồng thời, tình hình đăng ký doanh nghiệp có dấu hiệu tích cực hơn khi trong 11 tháng năm 2024, cả nước có hơn 218,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023; bình quân một tháng có gần 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường khoảng 4.200 doanh nghiệp.
Để có được kết quả nêu trên, bên cạnh sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành; thực hiện quyết liệt việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tận dụng tốt các động lực tăng trưởng của các ngành dịch vụ và hoạt động xuất khẩu.
Cùng với đó là việc ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần vào kết quả tích cực chung trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Trong năm 2025 tới đây, với nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bằng việc thông qua nhiều luật, tư duy chỉ đạo, điều hành của Chính phủ tiếp tục bứt phá, được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ khó khăn và khơi thông điểm nghẽn của nền kinh tế, tạo đà cho tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt mức 8% như Nghị quyết của Quốc hội.
Song, để hoàn thành được những mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi Chính phủ cần tập trung thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, dồn nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kiên quyết chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; thực hiện hiệu quả quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm,…
Quan trọng hơn, phải tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phù hợp bối cảnh, tình hình mới nhằm thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; nâng cao năng suất lao động, thu hút và sử dụng nhân tài cả trong và ngoài nước.
Tuy vẫn còn những khó khăn, thách thức trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành kinh tế, nhưng tin rằng với sự quyết tâm của Chính phủ cùng sự vào cuộc quyết liệt, thực chất, có hiệu quả của các bộ, ngành và địa phương sẽ tạo được nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế-xã hội cho cả năm 2024 và các năm tiếp theo.
Nguồn: https://nhandan.vn/doanh-nghiep-phuc-hoi-kinh-te-tang-truong-post851755.html