Số lượng doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu ngày càng “phình”
Trong báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, trong tháng 6/2023, giá trị trái phiếu đến kỳ đáo hạn đang đạt “đỉnh” cao nhất trong năm, với tổng số tiền lên tới 35.530 tỷ đồng. Con số này đã tăng gấp đôi so với tháng 5/2023.
Trong báo cáo mới đây của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, số lượng doanh nghiệp chậm trả nợ đang ngày một “phình” ra. Cụ thể, tính đến cuối tháng 5/2023, có khoảng 62.000 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp.
Ước tính, tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp này rơi vào khoảng 157.710 tỷ đồng, chiếm khoảng 14,4% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên toàn thị trường. Trong đó, chỉ riêng nhóm các doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán đã chiếm tới 11,3% dư nợ toàn hệ thống.
Đơn vị này cũng ước tính khoảng hơn 45.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.
Trong văn bản gửi HNX, các doanh nghiệp chậm trả nợ cho các trái chủ (nhà đầu tư trái phiếu) đã đưa ra nhiều ít do để “biện minh”. Đơn cử, một số doanh nghiệp bất động sản cho rằng, tín dụng siết chặt, thị trường bất động sản có diễn biến không thuận lợi đã dẫn đến việc chậm trả nợ cho các trái chủ. Rất nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp có vay thì phải có trả, việc đưa ra các lý do để “biện minh” cho việc chậm trả nợ là khó chấp nhận.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, do khó khăn của thị trường trong nước, quốc tế, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khó khăn trong thực hiện nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đến hạn.
Đặc biệt, trong thời gian qua, một số lùm xùm liên quan tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã khiến tâm lý thị trường bị ảnh hưởng, làm cho doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu mới để tiếp tục sản xuất kinh doanh cũng như thanh toán trái phiếu đến hạn.
Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số quy định của các nghị định về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để giải quyết những khó khăn tạm thời, đồng thời khôi phục niềm tin của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trên thực tế, từ khi Nghị định 08 được ban hành, nhiều doanh nghiệp đã phát hành được trái phiếu, đồng thời có căn cứ pháp lý để tái cơ cấu lại, thanh toán, gia hạn trái phiếu.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp như: Ổn định thanh khoản thị trường, giải quyết khó khăn về vốn cho nền kinh tế, các chính sách giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn… để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục tiếp cận thị trường và tăng cường khả năng trả nợ.
Ông Nguyễn Hoàng Dương khẳng định, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm tới vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, Bộ cũng thường xuyên có những văn bản đôn đốc doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán trái phiếu phải có trách nhiệm đến cùng. Trường hợp có khó khăn trong việc thanh toán phải cân đối nguồn tiền trả nợ và chủ động đàm phán với trái chủ để cơ cấu lại khoản nợ.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã khuyến nghị các doanh nghiệp phải chủ động công bố, minh bạch thông tin để nhà đầu tư nắm được tình hình doanh nghiệp, từ đó có căn cứ đưa ra các quyết định đầu tư, khôi phục niềm tin với thị trường.
Bộ Tài chính cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an để chủ động tuyên truyền phổ biến chính sách về trái phiếu, tăng niềm tin với các nhà đầu tư, đồng thời, xử lý các vụ việc tung thông tin thất thiệt ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường.
“Hy vọng với những giải pháp đã triển khai cùng với sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp, đồng thời với tình hình kinh tế vĩ mô tốt hơn, các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tốt hơn thì sẽ dần dần tái cơ cấu các khoản nợ và thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà đầu tư”, ông Dương nói.
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có nghĩa vụ thanh toán đến cùng với nhà đầu tư
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có nghĩa vụ thanh toán đến cùng với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã nhanh chóng có những chỉ đạo để các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đến cùng với những gì đã cam kết với các trái chủ.
“Nguyên tắc xuyên suốt của Nhà nước là bảo vệ quyền lợi cho các trái chủ, các quy định của pháp luật cũng rất rõ ràng, chính vì vậy, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đến cùng trong việc thanh toán nợ”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng, ở thời điểm này, trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang tồn tại một số khó khăn, một trong số đó là khó khăn đến từ chính nội tại của doanh nghiệp.
“Đồng thời, khó khăn cũng đến từ thực trạng của nền kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cũng có sự trục trặc, trong đó có cả những doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Do đó, để khắc phục được những khó khăn này phải có giải pháp đồng bộ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Chi nói.
Thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn như vậy nhưng với những giải pháp quyết liệt của Chính phủ, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.
“Với giải pháp kịp thời và sát thực tiễn cùng các chính sách vĩ mô là điểm tựa vững chắc để tiếp tục đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo sản xuất kinh doanh, khôi phục thị trường”, Thứ trưởng Bộ Tài chính kỳ vọng.