Báo cáo tham luận tại hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2024 do UBND TP.HCM tổ chức sáng 6.1, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng mặc dù TP.HCM đã có nhiều nỗ lực để kinh tế năm 2023 đạt mức tăng trưởng 5,81%, tuy nhiên kết quả này chưa tương xứng với tầm vóc và vị thế của TP.HCM.
Theo ông Hòa, trước bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn dẫn, tác động mạnh đến cầu trong và ngoài nước, TP.HCM cần quan tâm mở rộng thị trường mới (như Ấn Độ, các nước ở Nam Mỹ, Trung Đông), đạt được các tiêu chí khi hội nhập thị trường.
Đặc biệt, TP.HCM cần giải phóng các nguồn lực đang có mà trước hết là nguồn lực đất đai. “Đây là yếu tố đầu vào của toàn bộ quy trình sản xuất kinh doanh. Làm thế nào nhanh chóng kéo giảm giá xuống và giải quyết các điểm nghẽn, vướng mắc về thủ tục để khơi thông nguồn lực phát huy tác dụng”, ông Hòa nói.
Chủ tịch HUBA cho rằng đầu tư công là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tình hình kinh tế. Vì vậy, TP.HCM cần đẩy mạnh các dự án đầu tư công, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia dự thầu, tham gia vay vốn từ các chương trình kích cầu, sớm lập tổ công tác xét duyệt các dự án, giải quyết các dự án chuyển tiếp…
Cạnh đó, TP.HCM cần đón nhận dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, sớm lên phương án chuyển đổi các khu chế xuất và công nghiệp đến hạn để đạt được các tiêu chuẩn chất lượng cao.
“Với các khu công nghiệp hiện đại, TP.HCM sớm ban hành giá đất. Nhiều doanh nghiệp phản ánh khu công nghiệp Hiệp Phước vẫn chưa xác định được giá đất, nên mặc dù có doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất cho 50 năm rồi nhưng vẫn chưa có giấy tờ. Do đó doanh nghiệp không thể thế chấp ngân hàng để vay vốn cho hoạt động kinh doanh”, ông Hòa nói.
Ngoài ra, ông Hòa cũng đề xuất có lãi suất thấp cho người xây và người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại; sớm xác định cơ quan phê duyệt phương án sử dụng đất cho các doanh nghiệp đã cổ phần hóa để sớm quyết toán chuyển thể.
Rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục đầu tư
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, cũng đề xuất 5 giải pháp để đẩy mạnh hoạt động đầu tư năm 2024, đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân phải đạt ít nhất từ 95% trở lên với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đã được Trung ương giao là 79.263 tỉ đồng.
Thứ nhất, nâng cao năng lực, trách nhiệm của các chủ đầu tư, lãnh đạo các sở ngành, đơn vị liên quan, các địa phương, các tổ công tác về đầu tư công trong triển khai thực hiện dự án.
Thứ hai, bám sát, giám sát định kỳ, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn của các đơn vị đã lập ra, đánh giá cụ thể tiến độ theo từng tuần, tháng. Qua đó, gắn kết quả giải ngân đầu tư với đánh giá thực hiện nhiệm vụ, thi đua, và công tác cán bộ.
Thứ ba, đẩy nhanh thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật bằng việc nâng cao trách nhiệm và sự chủ động của các địa phương trong vận động, thuyết phục người dân và hoàn tất các thủ tục hành chính theo quy định.
Thứ tư, rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ trong toàn bộ quy trình thủ tục đầu tư từ lúc bắt đầu đến kết thúc xong dự án.
Thứ năm, linh động trong bố trí, điều chỉnh kế họach vốn, kiên quyết cắt giảm vốn các dự án chậm, bổ sung vốn kịp thời cho các dự án triển khai tốt; ưu tiên bố trí vốn các dự án có tác động lan tỏa để nâng cao hiệu quả đầu tư.