Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng ở khu vực doanh nghiệp phi tài chính đã cao hơn nhóm ngân hàng, chứng khoán…
Kết quả kinh doanh quý 2-2024 của gần 1.000 doanh nghiệp (DN) niêm yết, chiếm 96% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam, cho thấy tín hiệu tích cực với mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể.
Nhiều doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi
Theo số liệu từ Fiingroup, lợi nhuận toàn thị trường tăng gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gần 13% so với quý đầu năm. Đóng góp lớn vào bức tranh chung là sự tăng trưởng ấn tượng của nhóm DN phi tài chính với mức tăng gần 31%. Trong khi đó, nhóm tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) ghi nhận mức tăng thấp hơn ở mức 21%.
Số liệu này cho thấy lợi nhuận của khối niêm yết, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau khi chạm đáy vào quý 3-2023.
Wigroup, một công ty cung cấp giải pháp dữ liệu, cũng ghi nhận sự trở lại ngoạn mục của nhiều DN từng ghi nhận khoản lỗ lớn trong cùng kỳ năm trước. Điển hình là Vietnam Airlines, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Viettel Global… Bên cạnh đó, nhiều DN khác như Tập đoàn Hòa Phát, Thế Giới Di Động, Vietjet Air, Masan… cũng chứng kiến lợi nhuận phục hồi hoặc tăng đột biến nhờ mức nền so sánh thấp của cùng kỳ.
Thống kê từ báo cáo tài chính của nhóm VN30 cho thấy hầu hết DN đều tăng trưởng tốt, thậm chí có những đơn vị tăng trưởng gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Dù vẫn ghi nhận hơn 10 DN báo lỗ trên 100 tỉ đồng, quý 2-2024 không còn xuất hiện những khoản lỗ nghìn tỉ như các quý trước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Đắc Nguyên – trưởng phòng phân tích Công ty giải pháp dữ liệu Wigroup – cho biết kết quả kinh doanh quý 2 ghi nhận con số lợi nhuận cao hơn hẳn mặt bằng của 2023 và có những dấu hiệu của sự phục hồi về tổng lợi nhuận so với trước đó.
Một chỉ số quan trọng cũng vừa được công bố là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ghi nhận mức 54,7 điểm và đơn hàng cải thiện. “Trong năm 2022 có một cú sốc đi kèm với đó lợi nhuận toàn thị trường giảm sâu trong quý cuối năm và PMI cũng phản ánh khá chính xác khi ở ngưỡng dưới 50 điểm nhiều tháng. Qua đó, chúng ta có thể thấy PMI đang phản ánh khá tốt khả năng tạo ra lợi nhuận của các DN”, ông Nguyên nhận định.
Ông Lê Hoài Ân – nhà sáng lập Công ty CP Giải pháp tài chính tích hợp – cũng cho biết giai đoạn vừa qua lãi suất thấp kỷ lục. “Năm ngoái các ngân hàng bơm tín dụng để giải quyết khó khăn, năm nay là bơm vào hoạt động sản xuất nhiều hơn. Tăng trưởng của đầu tư tư nhân đạt mức hơn 8% quý vừa qua, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 2,3%. Điều này cho thấy hoạt động đầu tư tư nhân đã có những bước cải thiện đáng kể”, ông Ân nhìn nhận.
Thiếu vắng DN tăng bền vững
Ông Trần Quốc Thảo, phó tổng giám đốc Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa, cho biết quy mô hoạt động DN được mở rộng, doanh thu tăng mạnh. “Cùng với ảnh hưởng từ mặt bằng lãi suất thị trường, chi phí lãi vay giảm cũng là nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận tăng”, ông Thảo cho hay.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, nhiều DN vẫn còn khó khăn. Số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy với nhóm bất động sản, doanh thu toàn ngành vẫn âm so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận lại tăng trưởng nhờ sang nhượng dự án hay bán công ty con (Novaland, Đất Xanh, DIG)…
Ngoài ra, lợi nhuận một số ngành tiếp tục giảm so với cùng kỳ, bao gồm điện, sản xuất dầu khí, hóa chất hay dịch vụ dầu khí, bất động sản khu công nghiệp và chăn nuôi bất ngờ đảo chiều từ tăng trưởng trong quý 1 sang suy giảm trong quý 2.
Như Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc, quý 2 năm ngoái lãi hơn 1.000 tỉ đồng thì sang cùng kỳ năm nay sụt xuống còn hơn 260 tỉ đồng. Một DN khác là TMT Motors (TMT) còn chuyển từ lãi sang lỗ đậm trong quý này.
Hay như xi măng nằm trong số ít ngành có kết quả kinh doanh “đi lùi”, hàng loạt “ông lớn” trong ngành báo lỗ bất chấp chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 7,7% trong sáu tháng đầu năm nay. Chưa kể số liệu nêu trên đều đến từ khối DN niêm yết, trong khi số DN chưa đại chúng, khu vực hộ kinh doanh lại chiếm số lượng lớn hơn.
Chuyên gia phân tích Trương Đắc Nguyên nhìn nhận đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng là ngành thép, hàng không và dịch vụ viễn thông… Tuy nhiên, tăng trưởng đột biến lại đến từ việc so sánh nền thấp năm ngoái và chưa có đóng góp của các DN tăng trưởng bền vững nhiều.
“Như vậy với kết quả kinh doanh khó khăn từ năm 2023 thì có thể hai quý cuối 2024 sẽ tiếp tục là sự tăng trưởng từ việc các DN phục hồi và bớt lỗ. Nhưng áp lực sẽ từ 2025 khi đã không còn ở pha phục hồi thì lợi nhuận thị trường sẽ khó có tăng trưởng cao, vì vậy sẽ cần theo dõi sát kết quả kinh doanh hai quý cuối năm để nhìn nhận khả năng tăng trưởng lâu dài”, ông Nguyên phân tích.
PGS.TS Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore) nhận định dù Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ, các DN Việt vẫn đối mặt với nhiều thách thức.
Thứ nhất, hệ thống thủ tục hành chính còn rườm rà, tạo rào cản cho DN, kể cả những DN thành công. Việc thực hiện thủ tục trở nên dễ dàng nếu DN sử dụng dịch vụ “bôi trơn” hoặc có quan hệ, gây khó khăn cho người dân và DN chân chính.
Thứ hai, một số chính sách mới còn thiếu thực tiễn. Ví dụ, việc nâng tiêu chuẩn đầu tư vật chất lên mức cao để tăng cường phòng cháy chữa cháy, trong khi chưa chú trọng đến vai trò của quản trị trong bối cảnh DN còn khó khăn.
Thứ ba, Việt Nam còn thiếu chiến lược tổng thể trong phát triển, khiến DN chưa nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các bộ ban ngành.
Từ đó, ông Khương đề xuất tiếp tục cải cách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Ông đề nghị so sánh thủ tục hành chính của Việt Nam với các nước như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc để thấy rõ điểm khác biệt và hướng đến sự ưu việt, tránh gây khó khăn cho người dân và DN.
Nguồn: https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-niem-yet-phuc-hoi-nhanh-20240810005528507.htm