Sáng ngày 23/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ quan điểm về sự cần thiết phải thay đổi tư duy quản lý, vận hành doanh nghiệp nhà nước để phù hợp với xu thế phát triển mới. Theo Thủ tướng, đổi mới tư duy là yếu tố cốt lõi trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thảo luận tại tổ
Phát biểu thảo luận tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, việc đổi mới tư duy không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là động lực chính cho sự phát triển. “Tư duy là nguồn lực, là tầm nhìn, là động lực để phát triển. Khi có tư duy đúng đắn, chúng ta mới có thể khuyến khích sáng tạo, đổi mới và gặt hái thành công,” Thủ tướng nhấn mạnh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần phải có những quy định pháp lý rõ ràng, giúp các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi trách nhiệm một cách chính xác và hiệu quả, từ đó thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực.
Cũng theo Thủ tướng, mục tiêu xây dựng một đất nước giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng và nhân dân hạnh phúc, ấm no, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập, chỉ có thể đạt được nếu mọi thành phần trong xã hội, bao gồm doanh nghiệp nhà nước, đều thay đổi tư duy, cách làm việc và quản lý. Cần phải “phát huy những gì đã làm tốt, khắc phục những yếu kém, tháo gỡ vướng mắc và vượt qua các thách thức,” Thủ tướng khẳng định.
Một trong những vấn đề được Thủ tướng đặc biệt lưu ý là hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy luật của thị trường, bao gồm giá trị, cung cầu và cạnh tranh. Theo Thủ tướng, không thể tiếp tục duy trì các biện pháp can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, bởi điều này sẽ dẫn đến méo mó thị trường và làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
“Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, không thể can thiệp hành chính như trước nữa. Chúng ta phải đảm bảo rằng các doanh nghiệp này có thể hội nhập quốc tế và hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện của Việt Nam,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng chia sẻ rằng, mặc dù mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện nay chưa hoàn thiện, nhưng việc nghiên cứu, cải cách và mở rộng phải được thực hiện một cách từ từ, không nóng vội và không cầu toàn. Việc điều chỉnh này cần phải dựa trên thực tế nền kinh tế và quy mô của đất nước, đồng thời phải tránh những can thiệp hành chính không cần thiết.
Cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền trong quản lý doanh nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, cần phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền trong quản lý các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là trong việc quyết định các kế hoạch kinh doanh. Thủ tướng cho rằng, Hội đồng quản trị (HĐQT) của các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc bảo toàn và phát triển vốn, chống lãng phí và tiêu cực.
“Chính phủ không thể làm thay việc của HĐQT. Chính phủ và các cơ quan quản lý chỉ nên cung cấp các công cụ định hướng, kiểm tra và giám sát, chứ không nên can thiệp quá sâu vào quyết định của họ. Phải giao quyền cho các cơ quan có thẩm quyền để họ quyết định và chịu trách nhiệm, điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả và sự sáng tạo trong công việc,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng, trong quá trình đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, không nên chỉ nhìn vào từng việc nhỏ mà cần đánh giá tổng thể giá trị mang lại. Ví dụ, trong một loạt công việc được giao, nếu 7-8 việc hoàn thành tốt, dù có 1-2 việc chưa đạt yêu cầu, nhưng “tổng thể vẫn dương” là bảo toàn và phát triển vốn, điều này cần được ghi nhận và đánh giá đúng mức.
Cuối cùng, Thủ tướng cho biết, cần phải khắc phục tình trạng lãng phí thời gian và quy trình hành chính rườm rà, cản trở sự sáng tạo và hiệu quả công việc. “Thời gian là tiền bạc, nếu cứ để loay hoay mãi thì sẽ bỏ lỡ cơ hội. Chúng ta cần giao quyền cho các cơ quan có đủ thẩm quyền quyết định, thiết kế và thực hiện luật pháp, không để mọi thứ phải chạy theo thủ tục hành chính dài dòng,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng chỉ ra các doanh nghiệp tư nhân thường hoạt động nhanh chóng và hiệu quả, bởi họ không phải đấu thầu quá nhiều và có thể linh hoạt trong việc xử lý công việc. Điều này cho thấy rằng, một khi các quy trình, quy định đã rõ ràng, doanh nghiệp sẽ tự do phát huy khả năng sáng tạo và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
“Để đất nước phát triển, doanh nghiệp nhà nước phải đổi mới tư duy, tuân thủ quy luật thị trường và mạnh dạn phân cấp, phân quyền. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần tạo ra một môi trường pháp lý rõ ràng, công bằng để các doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả, không bị cản trở bởi các thủ tục hành chính phức tạp. Cùng với đó, cần đánh giá tổng thể hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp để đảm bảo phát triển bền vững và mang lại giá trị lâu dài cho đất nước”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Huy Tùng
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/28aa1f77-5e45-48c9-9c77-58e1e07dcf59