Mặc dù niềm tin về triển vọng kinh tế ngắn hạn của Trung Quốc đã được cải thiện, nhưng kết quả khảo sát mới nhất vẫn cho thấy các doanh nghiệp Mỹ không muốn mở rộng đầu tư vào nước này trong bối cảnh bị cản trở bởi căng thẳng song phương và những thách thức pháp lý.
Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc công bố ngày 2/1, gần một nửa số công ty Mỹ được khảo sát cho biết họ “không có kế hoạch mở rộng đầu tư hoặc đang có ý định cắt giảm đầu tư” hoạt động tại nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Phần lớn dữ liệu được thu thập vào tháng 10 năm ngoái, trước cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở San Francisco.
AmCham cho biết, bên cạnh lý do môi trường chính sách không chắc chắn vốn đang gây lo ngại trong năm 2023, gần 1/3 trong số 343 doanh nghiệp được khảo sát cho rằng những bất ổn trong mối quan hệ kinh tế Mỹ – Trung là lý do chính khiến họ cắt giảm kế hoạch đầu tư vào năm 2024, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và nghiên cứu phát triển.
“Dù thương mại song phương đã mở rộng trong những năm gần đây, sự ngờ vực giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn ở mức cao và quan hệ vẫn căng thẳng”, Chủ tịch AmCham Trung Quốc Sean Stein nói.
Thị trường Trung Quốc vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp Mỹ, khi một nửa số doanh nghiệp được hỏi coi đây là điểm đến đầu tư hàng đầu toàn cầu. Đồng thời, 77% doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực không xem xét việc chuyển hoạt động sản xuất hoặc tìm nguồn cung ứng ra ngoài Trung Quốc.
Bên cạnh mối lo ngại chính về bất ổn trong quan hệ kinh tế Mỹ – Trung, khảo sát còn chỉ ra một số vấn đề đáng quan tâm khác của các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, bao gồm quản lý rủi ro và những bất ổn về môi trường chính sách, căng thẳng thương mại hay các rào cản tiếp cận thị trường.
Mỹ và Trung Quốc đã tăng cường hợp tác kể từ năm ngoái, với những cuộc họp của các nhóm công tác tài chính và kinh tế hai bên. Các nhóm này được thành lập vào tháng 9/2023 sau chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen, với mục đích thúc đẩy giao tiếp thường xuyên.
Tuy nhiên, triển vọng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục bị che mờ bởi các lời kêu gọi tách rời, chiến tranh công nghệ và kiểm soát xuất khẩu. 57% các công ty tham gia khảo sát vẫn thiếu niềm tin vào việc Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Tâm lý trên thực địa cũng khá phức tạp khi 39% các công ty cảm thấy ít được chào đón hơn ở Trung Quốc. Họ bày tỏ lo ngại về sự cởi mở của thị trường và việc bị đối xử không công bằng.
Trong khi đó, 31% các công ty cho biết họ cảm thấy được chào đón hơn, tăng 13% so với năm 2022. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực, nhưng vẫn chưa đủ để xua tan hoàn toàn những lo ngại còn tồn tại.
Các doanh nghiệp hy vọng chính phủ hai nước có thể hạ nhiệt và theo đuổi các cuộc đối thoại cấp cao, hiệu quả, đồng thời kêu gọi chính phủ Trung Quốc đối xử công bằng với các doanh nghiệp Mỹ và tăng cường hợp tác hiệu quả hơn với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.
Hoa Vũ(Nguồn: SCMP)