Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mong muốn được các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ thông tin để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Câu chuyện từ thực tiễn
Chia sẻ tại Toạ đàm giữa các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027 với các hiệp hội và doanh nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức vào chiều ngày 12/11, ông Lê Anh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) – chia sẻ những câu chuyện thực tế từ doanh nghiệp thời gian qua đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại toạ đàm |
Cụ thể, Hapro đã từng nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ Việt Nam tại Tây Ban Nha trong quá trình tổ chức hội nghị giao thương tại đây. Sự xuất hiện của Đại sứ Việt Nam tại Tây Ban Nha trong hội nghị do Hapro tổ chức đã để lại ấn tượng mạnh đối với các doanh nghiệp nước sở tại và sau hội nghị, Hapro đã nhận được lượng đơn đặt hàng rất lớn từ các doanh nghiệp tại đây.
Cũng theo chia sẻ của ông Lê Anh Tuấn, Hapro cũng đã nhận được sự hỗ trợ của Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại UAE (Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) trong việc tiếp cận các doanh nghiệp tại đây. Đó cũng là lý do sản phẩm gạo mang thương hiệu Hapro đã được xuất hiện trên kệ các siêu thị tại thị trường UAE.
Cũng nói về những hỗ trợ của trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) – cho biết: Dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động nhất với khoảng 3 triệu lao động, đồng thời cũng là ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Dự kiến, năm 2024, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt khoảng 44 tỷ USD. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Quyết định đặt mục tiêu, dự kiến đến năm 2030, xuất khẩu ngành dệt may sẽ đạt khoảng 68-70 tỷ USD.
Như vậy, từ chỗ chưa có tên trong bản đồ xuất khẩu dệt may thế giới, đến nay, ngành dệt may Việt Nam đã vươn lên vị trí 3 thế giới sau Trung Quốc và Bangladesh. Theo ông Trương Văn Cẩm, để có được kết quả trên, bên cạnh lợi ích từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, sự hỗ trợ của các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ thông tin thị trường |
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ thông tin thị trường xuất khẩu
Đánh giá cao sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài thời gian qua, tuy nhiên, phát biểu tại Toạ đàm, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp vẫn bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Cụ thể, doanh nghiệp mong muốn có các thông tin liên quan đến thị trường xuất khẩu, thị hiếu tiêu dùng cũng như các chính sách mới tại thị trường xuất khẩu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Liên quan đến nội dung này, ông Trương Văn Cẩm cho rằng: Mặc dù tăng trưởng khá tích cực trong thời gian qua, nhưng ngành dệt may vẫn yếu trong vấn đề tự chủ nguồn nguyên vật liệu và khâu dệt nhuộm. Bên cạnh đó, hiện, xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc vào một số thị trường chính như Hoa Kỳ (chiếm 44% tỷ lệ xuất khẩu); EU, Nhật Bản mỗi thị trường chiếm khoảng 11-12% tỷ lệ xuất khẩu…
“Mục tiêu của chúng tôi là muốn đa dạng hoá thị trường, do đó, muốn khai thác được thì phải hiểu thêm về thị hiếu tiêu dùng, dung lượng thị trường, mặt hàng… Chúng tôi rất cần những thông tin về vấn đề này” – ông Trương Văn Cẩm đề xuất với cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.
Trong khi đó, theo ông Lê Anh Tuấn, điều kiện, môi trường kinh doanh trên thế giới hiện có nhiều biến động khó nắm bắt. Ngoài ra, chính sách tại các thị trường cũng có nhiều thay đổi, biến động khó đoán, khiến doanh nghiệp dễ rơi vào tình huống bị động. Theo đó, thông tin của các nhà ngoại giao rất quan trọng và cần thiết, giúp doanh nghiệp có cơ sở để đánh giá tình hình và đưa ra những giải pháp ứng phó phù hợp.
Cũng mong muốn được các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ thông tin về thị trường, ông Lê Quang Trung – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) – cho rằng: Có 3 thị trường mà doanh nghiệp đang muốn tiếp cận, bao gồm: Hy Lạp, Trung Quốc và Trung Đông. Để thâm nhập được vào 3 thị trường này, đại diện Vinalines mong muốn, thời gian tới, sẽ nhận được việc hỗ trợ thông tin mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam, sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất tiến ra thị trường thế giới.
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho rằng: Tình hình thế giới đang biến đổi nhanh chóng và khó dự đoán, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh đó cũng sẽ thay đổi theo. Trong bối cảnh đó, cộng động doanh nghiệp Việt Nam mong đợi các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài là cầu nối tư vấn, tiếp sức cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua trên trường quốc tế.
“Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn các đại sứ, tổng lãnh sự nhận nhiệm vụ mới ở các nước có thể tiếp tục nghiên cứu về các chính sách phát triển kinh tế của nước bạn, giúp doanh nghiệp dự báo được xu hướng kinh doanh, xác định thị trường ngách ở từng địa bàn” – ông Hoàng Quang Phòng đề xuất.
Trước những mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Đỗ Hùng Việt cho rằng: Tất cả các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài khi nhận nhiệm vụ lên đường đều tự hào vì đằng sau là gần 100 triệu dân Việt Nam, đồng thời có trách nhiệm để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hội nhập, tiến ra thị trường quốc tế.
Trong khi đó, bà Đoàn Phương Lan – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) – khẳng định: Hỗ trợ doanh nghiệp là trung tâm của ngoại giao kinh tế. Đặc biệt, trong các kế hoạch công tác của các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài thì hỗ trợ doanh nghiệp cũng là nhiệm vụ trọng tâm.
Chia sẻ tại toạ đàm, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cũng nhấn mạnh, sẽ tiếp tục cung cấp thông tin, đồng hành cùng doanh nghiệp Việt trong quá trình thâm nhập địa bàn, tạo điều kiện để hàng Việt xuất hiện nhiều hơn tại nhiều thị trường trên thế giới.
Nguồn: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-mong-muon-duoc-ho-tro-thong-tin-ve-thi-truong-xuat-khau-358362.html