Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng lại lo. Đó là thực trạng của nhiều doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hàng loạt thị trường xuất khẩu chủ lực đang siết chặt rào cản kỹ thuật, áp dụng dày đặc biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Nhiều mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá
Thông tin mới nhất từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đăng công báo kết luận cuối cùng vụ việc rà soát hoàng hôn lần thứ hai lệnh áp thuế chống bán phá giá (CBPG) với tháp gió (một phần quan trọng trong hệ thống năng lượng gió) nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, DOC vẫn duy trì quan điểm áp dụng mức thuế chống bán phá giá với nhóm hàng này bình quân lên đến 58,24%. Tuy nhiên, cơ quan này cũng khuyến nghị các nhà xuất khẩu mới của Việt Nam (nếu có) cần liên hệ với DOC trước khi xuất khẩu để được tính toán mức thuế riêng, nếu không sẽ phải chịu mức thuế CBPG 58,24%.
Bên cạnh đó, DOC tiếp tục tái khởi xướng rà soát hành chính lệnh áp thuế CBPG lần thứ hai đối với mật ong Việt Nam. Cơ quan này đang rà soát danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ. Trước đó, vào năm 2022, DOC áp mức thuế lên đến hơn 400% khiến cho sản phẩm mật ong của Việt Nam gần như bị đóng cửa tại thị trường này. Cho đến gần đây, khi doanh nghiệp Việt Nam đấu tranh để đưa mức thuế giảm về dưới 60% thì sản phẩm này mới quay lại thị trường Hoa Kỳ.
Không dừng lại đó, việc áp thuế CBPG còn trở nên đáng lo ngại hơn khi hàng loạt thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị thiết lập rào cản chính sách phòng vệ thương mại. Có thể kể đến như Hiệp hội Các nhà sản xuất xi măng Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức khởi xướng điều tra CBPG với xi măng và clinker có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam. Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành thông báo khởi xướng điều tra CBPG đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ Việt Nam như thép không gỉ hoặc thép điện silicon định hướng hạt; thép công cụ và thép công cụ có độ cứng lớn chuyên dụng; thép không ở dạng cuộn…
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết, những thị trường có số lượng vụ kiện CBPG nhiều với hàng xuất khẩu của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia… Các mặt hàng bị điều tra khá đa dạng, từ nông sản, thực phẩm chế biến, hàng dệt may, xơ sợi, các sản phẩm thép, gỗ, nhôm, đồng, ngành cao su và chất dẻo, ngành hóa chất, ngành vật liệu xây dựng… Có một điểm chung cho các vụ việc khởi xướng điều tra là tập trung vào các nhóm mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch vài chục triệu đến hàng tỷ USD.
Chắt lọc đầu tư, tạo không gian phát triển
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, phân tích, nếu tính riêng mặt hàng nông sản, thực phẩm thì Việt Nam đã đứng tốp 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Nếu xét tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của ngành này thì hơn 75% thuộc về doanh nghiệp Việt, số ít còn lại thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu sản xuất của ngành này cũng “thuần Việt”. Còn lý giải cho việc một số sản phẩm bị áp thuế CBPG là do doanh nghiệp Việt thiếu sự liên kết, phá giá trong giao thương, dẫn đến hệ quả là bị phạt thuế suất CBPG. Điển hình nhóm sản phẩm đang bị tái khởi xướng điều tra là mật ong. Để lấy được đơn hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu đã thẳng tay ép giá thu mua nguyên liệu trong nước của người nông dân xuống mức rất thấp. Do đó, khi bị điều tra, thị trường xuất khẩu đã phạt bằng cách áp thuế CBPG rất cao lên sản phẩm, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chung của doanh nghiệp toàn ngành.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, có một nguyên nhân là tình trạng đánh tráo xuất xứ thông qua việc đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã bị đánh thuế CBPG tại nước sở tại và để né mức thuế này, họ chọn giải pháp đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Để tránh trường hợp này, cần tính toán lại việc thu hút đầu tư. Các bộ ngành liên quan đánh giá tổng thể nội lực phát triển, thế mạnh và thế yếu của từng ngành. Từ đó, đưa ra danh mục ưu tiên thu hút đầu tư, cũng như mạnh tay từ chối những ngành mà doanh nghiệp Việt đang có đà tăng trưởng tốt. Thay vào đó, xúc tiến cho các hoạt động bổ sung đầu tư, nội lực cho doanh nghiệp Việt bằng cách kết nối chuyển giao công nghệ, vốn từ doanh nghiệp nước ngoài cho doanh nghiệp trong nước; tạo không gian phát triển thêm cho doanh nghiệp Việt, trong đó tập trung vào hỗ trợ quỹ đất giá hợp lý, ưu đãi vốn, chính sách thuế, phí, cải thiện chương trình đào tạo để gia tăng năng lực đội ngũ nguồn nhân lực…
Từ thực tế nói trên, các doanh nghiệp kiến nghị, Bộ Công thương cần sớm thiết lập rào cản phòng vệ thương mại trong nước với danh mục hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng thời, triển khai hiệu quả đề án xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại; đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…
Theo ông Phạm Bình An, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Bộ Công thương cần thiết lập khung giá sàn cho các nhóm ngành hàng để tránh tình trạng doanh nghiệp trong nước phá giá lẫn nhau, bảo vệ sản xuất trong nước. Riêng về phía doanh nghiệp, ngoài chủ động hồ sơ pháp lý để sẵn sàng ứng phó với các vụ kiện bất cứ lúc nào thì cần liên kết hợp tác để xuất khẩu, không tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ; đa dạng hóa thị trường, tận dụng tối đa dư địa của thị trường châu Á, hướng đến thị trường xuất khẩu đa cực và bền vững hơn.
ÁI VÂN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/doanh-nghiep-lo-rao-can-xuat-khau-post755142.html