Hơn 77.000 doanh nghiệp đã rời thị trường bốn tháng qua, số khác phải “bán mình” tránh vỡ nợ, hoặc chọn cách co hẹp sản xuất, giảm nhân sự để cầm cự.
“Tình hình chưa bao giờ khó khăn như lúc này”, đại diện một hiệp hội ngành sản xuất tại TP HCM đánh giá. Theo ông, nhiều chủ doanh nghiệp đã phải bán nhà, tài sản riêng để cầm cự, trả lãi vay.
Thực tế khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp, nền kinh tế cũng được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu tại phiên họp tuần trước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Dũng cho hay nhiều doanh nghiệp lớn phải bán rẻ tài sản, những gì bán được đã bán với giá bằng nửa giá trị thực. “Việc này đáng lo ngại, nhất là với doanh nghiệp cần giữ, hỗ trợ khi người mua là nước ngoài”, ông nói.
Thậm chí, vị đại diện của hiệp hội ngành sản xuất TP HCM ở trên còn tiết lộ sau khi bán tài sản, tình hình tài chính của một số công ty trong hội vẫn rất tệ nên đang đàm phán với doanh nghiệp ngoại để “bán mình”, tránh khả năng vỡ nợ.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP HCM cũng từng cho biết vài doanh nghiệp lớn có thương hiệu hàng chục năm trong ngành gần đây phải chuyển nhượng, hợp tác với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư ngoại.
Hiện tượng doanh nghiệp này thâu tóm đơn vị kia về lý thuyết là quy luật bình thường của thị trường. Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận điều này sẽ là “đáng chua xót” khi một doanh nghiệp tốt nhưng vì những khó khăn trong ngắn hạn, buộc phải bán cơ ngơi, chuyển nhượng thương hiệu có tiếng trong nhiều năm.
Theo ghi nhận của VnExpress, nhóm có hiện tượng “bán mình” phần lớn thuộc lĩnh vực bất động sản, sản xuất – đối tượng gặp khó khăn lớn về pháp lý, dòng tiền, đơn hàng.
Giới phân tích dự báo hai năm tới là giai đoạn bùng nổ của mua bán sáp nhập (M&A) bất động sản do nhiều chủ đầu tư khát vốn, cần bán tài sản để vượt khó. Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, cho biết đã nhận được nhiều yêu cầu tư vấn của các nhà phát triển bất động sản trong nước về lập kế hoạch thương vụ M&A và định giá giao dịch.
Bên cạnh phương án “bán mình”, nhiều doanh nghiệp chọn cách co hẹp sản xuất, giảm nhân sự, cho thuê lại nhà xưởng trống để có khoản thu nhằm cầm cự qua giai đoạn khó khăn.
Là doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu, nhưng ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Secoin cho biết xuất khẩu của đơn vị đã giảm 70% những tháng qua. Các nhà máy của Secoin đều giảm công suất. Phần nhà xưởng dư thừa được công ty cho thuê lại hoặc hợp tác với đối tác để cùng làm, giảm áp lực tài chính.
Tương tự, bốn tháng qua, sức mua trong nước giảm mạnh, đơn hàng quốc tế của Napoli Coffee – nhà sản xuất các sản phẩm cafe – cũng chững lại. “Có tháng chúng tôi không có đơn hàng xuất khẩu nào”, ông Nguyễn Đức Hưng, sáng lập Napoli Coffee chia sẻ. Ngoài giảm sản xuất, hãng này đã giảm 30-80% nhân sự, chủ yếu là nhân viên kinh doanh. Nhà xưởng công ty cũng giảm hoạt động ở những khâu không cần thiết.
Theo kết quả thăm dò sơ bộ doanh nghiệp do VnExpress và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện gần đây với hơn 13.200 đại diện doanh nghiệp, có gần 22% doanh nghiệp khảo sát cho biết bị giảm hơn một nửa doanh thu trong quý đầu năm do những bất trắc kinh tế trong và ngoài nước. Khoảng 9% số được hỏi nói giữ được doanh thu hoặc tăng thấp (5%) trong ba tháng đầu năm.
Xét về triển vọng kinh tế, gần 49% đơn vị đánh giá năm nay “tiêu cực” so với 2022 và chỉ trên 2% nhìn nhận “tích cực”.
Với những khó khăn bủa vây thời gian qua, cũng đã có nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp đóng cửa. Bốn tháng đầu năm, có 77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 25% so với cùng kỳ 2022, tức mỗi tháng bình quân gần 20.000 doanh nghiệp phải rời thị trường, theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Riêng lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết quý I, số doanh nghiệp trong ngành này giải thể, ngừng kinh doanh tăng mạnh, lần lượt 30% và 61%, còn số lập mới giảm sâu, 63% so với cùng kỳ 2022. Các sàn giao dịch địa ốc cũng chung cảnh ngộ khi 30-50% phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động so với quý cuối năm ngoái.
Các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay, theo các chuyên gia có nguyên nhân từ suy thoái kinh tế thế giới, một phần đến từ các vấn đề nội tại.
Đầu tiên là dòng vốn tắc nghẽn. Mặt bằng lãi suất tăng nhanh từ tháng 7/2022, với lãi vay trung bình khoảng 12% một năm, có nơi lên đến 14% một năm, trong khi kinh tế có dấu hiệu suy giảm từ cuối 2022. Tăng trưởng tín dụng đến 24/4 đạt gần 2,7%, chỉ bằng 1/3 mức tăng cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy sản xuất kinh doanh khó khăn, hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế hạn chế. Đầu năm nay, mặt bằng lãi vay hạ nhiệt nhưng vẫn cao so với ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp.
Việc này, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo ghi nhận của VEPR, tín dụng bình quân năm ngoái khoảng 11,35 triệu tỷ đồng, nếu lãi suất trung bình 10%, chi phí lãi vay của doanh nghiệp khoảng 1,13 triệu tỷ đồng, lớn hơn nhiều các gói hỗ trợ hiện nay. Trường hợp lãi vay giảm 1%, các doanh nghiệp giảm gánh nặng khoảng 113.000 tỷ đồng
Một số doanh nghiệp chấp nhận lãi suất vay cao, nhưng tiếp cận dòng tiền cũng không dễ dàng. Đại diện một tập đoàn bất động sản lớn trên thị trường cho biết trong bối cảnh cần mở rộng, phát triển dự án, họ có nguyện vọng được tiếp vốn dù lãi vay tăng. Tuy nhiên đến giờ, ngân hàng vẫn “lắc đầu” hoặc yêu cầu nhiều thủ tục khiến thời gian cấp vốn bị chậm trễ, bỏ lỡ cơ hội và làm chi phí của doanh nghiệp tăng lên. Các điều kiện về hạn mức vay hay tài sản đảm bảo đều được doanh nghiệp này đáp ứng nhưng phía ngân hàng vẫn “chần chừ” do lo ngại rủi ro.
Vay thương mại gặp khó, dòng vốn ưu đãi thuộc chương trình phục hồi kinh tế cũng tắc nghẽn. Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch & Đầu tư về triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2%, cho biết đến hết tháng 3, chính sách này mới giải ngân được 327 tỷ đồng, tức 0,8% trên tổng vốn 40.000 tỷ đồng. Dự kiến gói này giải ngân được 2.345 tỷ đồng đến hết năm nay, tức “ế” hơn 37.000 tỷ đồng.
Khó khăn nữa với doanh nghiệp lúc này là cải cách môi trường kinh doanh đang chững lại. TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, CIEM), đánh giá môi trường kinh doanh 3 năm qua ít chuyển biến, thậm chí có xu hướng đi ngược cải cách.
Bà đơn cử, rào cản về điều kiện kinh doanh đang nặng nề hơn so với trước, điển hình là các quy định về phòng cháy chữa cháy, xăng dầu; văn bản pháp luật thiếu rõ ràng, khó thực thi. “Rào cản môi trường kinh doanh trở nên nặng nề hơn khiến doanh nghiệp chưa kịp phục hồi sau dịch bệnh, nay trở nên đình đốn”, bà Thảo nhận xét.
Ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp gỡ khó, song khâu thực thi đang có vấn đề. Nhiều dự án vẫn bị vướng về pháp lý, thủ tục phê duyệt, hoàn thiện hồ sơ tại các địa phương rất lâu, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
Giải thích thêm, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR nói, một nguyên nhân khác lúc này là mâu thuẫn trong thể chế, chính sách khiến các cơ quan Nhà nước “dậm chân tại chỗ, không ai muốn hay dám thực hiện gì”. Từ đó dẫn tới môi trường kinh doanh chững lại, có dấu hiệu xấu đi, ảnh hưởng tới lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào thị trường.
“Chúng ta muốn chạy thật nhanh nhưng lại ở trong ‘chiếc áo’ thể chế, chính sách chật chội, nên gặp nhiều khó khăn khi muốn vươn lên”, ông Việt ví von.
Lúc này, theo ông Đậu Anh Tuấn, các chính sách giảm thuế, phí, lãi suất cần tiếp tục để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận dòng tiền. Về dài hạn, ông lưu ý, cần cải cách thêm thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh.
Lấy ví dụ trong xuất nhập khẩu, ông Tuấn cho rằng nếu cắt giảm được thời gian đi lại, các chi phí, thủ tục phức tạp, sẽ là cách hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp. Hay việc hoàn thuế VAT, nếu được tháo gỡ sẽ giúp giải phóng một lượng vốn bị đọng cho doanh nghiệp.
Đứng trước hoàn cảnh kinh doanh đầy khắc nghiệt hiện nay, chủ một doanh nghiệp nói bản thân ông và nhiều bạn bè có thừa tài sản cá nhân để sống sung túc, việc họ cố gồng gánh doanh nghiệp đến cùng vì muốn giữ thương hiệu, cũng như chịu trách nhiệm với người lao động.
“Thương hiệu hay công nhân lành nghề phải nuôi dưỡng thời gian dài mới có được. Giờ bán, không chỉ mất đi thương hiệu nội địa, chúng tôi còn bị ép bán rẻ đứa con tinh thần của mình”, người này chia sẻ.
Phương Ánh – Thi Hà – Minh Sơn