Sửa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật: Doanh nghiệp khổ vì nhiều quy định chưa thực sự… chuẩn
Sau gần 20 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập, đòi hỏi cần sửa đổi thích hợp để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Quy định lắp camera trên ô tô, nhưng chậm đưa ra quy chuẩn của camera khiến doanh nghiệp vận tải lúng túng. Ảnh: Đức Thanh |
Ai khóc nỗi đau này
Ông Phạm Thanh Huy đến từ Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam ví von sự thay đổi trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng quan trọng như sự thay đổi về chính sách, nếu không duy trì ổn định, lâu dài sẽ gây ra thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.
Ông Huy dẫn một ví dụ thực tế liên quan đến vấn đề lắp camera hành trình trên các xe kinh doanh vận tải. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang oằn mình vì đại dịch Covid-19, quy định lắp đặt camera được đưa ra, nhưng không có quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể. Dù vậy, doanh nghiệp buộc phải làm, nếu không sẽ bị phạt. Nhưng làm xong một thời gian, quy chuẩn, tiêu chuẩn về camera giám sát mới được ban hành, doanh nghiệp vận tải lại phải thay thế một loạt để đáp ứng tiêu chuẩn.
Chưa dừng lại ở đó, thời gian đầu, doanh nghiệp phải lắp 3 camera ở 3 vị trí: khu vực người lái xe, cửa ra vào và khoang hành khách. Về sau, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ yêu cầu chỉ cần 1 camera ở khu vực người lái, bỏ 2 camera còn lại. Một quy định mới đây tiếp tục bắt buộc camera trong buồng lái phải truyền âm thanh và hình ảnh 30 giây một lần về hệ thống quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
“Chúng tôi căng quá rồi. Hàng trăm ngàn ô tô phải vứt camera cũ đi để lắp hệ thống camera truyền âm thanh, hình ảnh. Nhiều ngàn tỷ đồng vứt đi một cách không ai thương tiếc”, ông Huy than thở.
Cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ mong muốn loại bỏ tình trạng lạm dụng quy chuẩn thay vì tiêu chuẩn. Trong đó, những nội dung nào ảnh hưởng đến lợi ích công cộng thì để ở quy chuẩn; những phần không ảnh hưởng thì để ở tiêu chuẩn.
Được Quốc hội thông qua năm 2006, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007, là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của doanh nghiệp. Điểm khác biệt lớn nhất giữa tiêu chuẩn và quy chuẩn là tiêu chuẩn thực chất chỉ mang tính chất khuyến nghị, khuyến cáo, tự nguyện áp dụng. Còn quy chuẩn được cơ quan nhà nước ban hành, bắt buộc các doanh nghiệp phải áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được nhiều phản ánh của doanh nghiệp về tình trạng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đang gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Tiêu biểu là tình trạng có những quy chuẩn ban hành kèm theo quá nhiều phép thử. Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI chia sẻ về quy chuẩn 5G của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Với các thiết bị cảm ứng sử dụng cả 4G và 5G, quốc tế chỉ yêu cầu kiểm thử quy chuẩn 4G, lược bỏ quy chuẩn 5G, nhưng Việt Nam yêu cầu kiểm thử cả 2 hạng mục.
Về mặt kỹ thuật, có những tiêu chuẩn giữa Việt Nam và nước ngoài sai khác không đáng kể, nhưng khi doanh nghiệp mang chứng nhận sự phù hợp được công nhận ở nước ngoài về thì không được chấp nhận, mà yêu cầu phải kiểm thử lại, khiến doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí thủ tục.
Đáng chú ý, nhiều quy chuẩn được ban hành, nhưng doanh nghiệp không tìm thấy đơn vị đánh giá sự phù hợp. Ông Nguyễn Văn Khoa, đại diện đến từ Apple phát biểu: “Thời điểm Bộ TT&TT ban hành quy chuẩn 5G, không có phòng đo nào ở Việt Nam làm được, chỉ có một phòng MRA (phòng thử nghiệm được thừa nhận theo các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau – PV) tại nước ngoài đo được. Bộ TT&TT có thời điểm phải ngưng hiệu lực quy chuẩn này, sau đó tiếp tục, nhưng đến nay cũng chỉ có 1 phòng đo của Việt Nam đo được sóng 5G”.
Cởi trói doanh nghiệp khỏi quy chuẩn không phù hợp
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đang được Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến từ cộng đồng chuyên gia và doanh nghiệp, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào tháng 10/2024.
Góp ý nội dung Dự thảo Luật sửa đổi, các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn loại bỏ tình trạng lạm dụng quy chuẩn thay vì tiêu chuẩn. Trong đó, những nội dung nào ảnh hưởng đến lợi ích công cộng thì để ở quy chuẩn; những phần không ảnh hưởng thì để ở tiêu chuẩn, tránh trường hợp doanh nghiệp phải áp dụng những điều vốn chỉ mang tính khuyến khích.
Ngoài ra, Điều 32 của Dự thảo đã bổ sung doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan được tham gia vào quá trình xây dựng quy chuẩn. Nhưng các doanh nghiệp cho rằng “tham gia” dễ bị diễn giải theo nhiều hình thức, trong đó chỉ góp ý cũng tính là đã tham gia.
“Với nhiều quy chuẩn, chúng tôi là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhưng lại không được tham gia vào quá trình xây dựng quy chuẩn, chỉ được góp ý, mà góp ý xong cũng không biết mọi chuyện về sau thế nào. Chúng tôi mong muốn Dự thảo Luật có một quy định mạnh mẽ hơn để đảm bảo sự tham gia thực chất của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng quy chuẩn. Riêng trong mảng công nghệ thông tin, những công ty, tập đoàn lớn hoạt động trên toàn cầu như chúng tôi có thể thúc đẩy đưa các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới vào Việt Nam nhanh hơn, mạnh mẽ hơn”, đại diện Apple khẳng định.
Về phía Ban soạn thảo, ông Hà Minh Hiệp, quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn tạo ra chuẩn mực để đánh giá, phân loại chất lượng hàng hóa, sản phẩm trong lưu thông, sản xuất. Song, Luật chỉ ban hành các quy định chung, còn cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ ban hành thêm các quy chuẩn nếu thấy cần thiết. Một số vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp không phải do lỗi ở Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, mà do hạn chế ở khâu thực thi, hiện đang phân mảnh ở nhiều bộ, ban, ngành khác nhau.
Để tháo gỡ những điểm nghẽn này, ông Hiệp cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ bổ sung báo cáo đánh giá tác động quy chuẩn để nắm rõ quy chuẩn đang ảnh hưởng ra sao đến doanh nghiệp; đẩy mạnh việc công nhận kết quả đánh giá sự phù hợp do các tổ chức nước ngoài cung cấp; phân cấp thực thi xuống từng bộ, ban, ngành; đảm bảo tính minh bạch và công bằng.
Nguồn: https://baodautu.vn/sua-luat-tieu-chuan-va-quy-chuan-ky-thuat-doanh-nghiep-kho-vi-nhieu-quy-dinh-chua-thuc-su-chuan-d222128.html