Sáng 10/2, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp, nhiều đại diện giới doanh nhân đã đóng góp ý kiến nhằm góp phần xây dựng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới mà cụ thể là mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025.
Mong muốn có chính sách hỗ trợ dự án trung hòa carbon
Tại cuộc gặp gỡ với Thường trực Chính phủ, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, hơn 30 năm qua, Tập đoàn BRG hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bán lẻ, dịch vụ, du lịch.
Trong thời điểm quan trọng của năm 2025, BRG cam kết xây dựng thành phố thông minh Bắc Hà Nội là một thành phố có rất nhiều tính năng thông minh, từ năng lượng, di chuyển, quản lý, giáo dục, y tế, kinh tế và sẽ có tiện ích tốt nhất cho người dân. Điểm đặc biệt, đây là thành phố trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới. "Có thể chúng tôi sẽ nhập một số cây từ nước ngoài để giải quyết ô nhiễm môi trường và sẽ báo cáo cụ thể sau" - bà Nguyễn Thị Nga cho biết và khẳng định sẽ có các giải pháp để giảm 50% chi phí cho năng lượng cho các hộ gia đình.
Các doanh nghiệp tham dự Hội nghị
Chủ tịch Tập đoàn BRG đề nghị Thủ tướng và các Phó Thủ tướng xem xét tiếp tục giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong năm 2024 và năm 2025, không chỉ trong 6 tháng mà cho cả năm. Còn doanh nghiệp nào được giảm thì cần xét rất kỹ, nếu không xứng đáng thì cũng không được hỗ trợ.
Bà Nguyễn Thị Nga cũng đề nghị có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án xây dựng và trung hòa carbon, bao gồm cả thuế và thủ tục hành chính. Có các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng sáng tạo để khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch và năng lượng tái tạo. Điều này góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà Thủ tướng đã cam kết với quốc tế, với mục tiêu đến năm 2050 Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu Net Zero.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Nga cũng đề xuất có các chương trình, sáng kiến cấp quốc gia về đổi với sáng tạo, phát triển bền vững để các doanh nghiệp có thể tham gia và có những người hướng dẫn cho doanh nghiệp.
Đề nghị đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, với mong muốn tháo gỡ điểm nghẽn của điểm nghẽn là khoa học công nghệ, đã đề nghị cần "bình dân AI vụ", tiếp nối tinh thần "bình dân học vụ".
Đặc biệt trong dịp Tết này chúng ta nghe nhiều về DeepSeek. DeepSeek làm cho "bình dân hóa trí tuệ nhân tạo", tức là các công ty nhỏ cũng làm được, các công ty vừa và nhỏ cũng đã áp dụng được.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT
"Cơ hội đang đến, tôi đề nghị nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo. Chúng tôi là những người trực tiếp triển khai, đưa ngay vào lớp 1 được. Song cần nhất là vai trò của Nhà nước để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo…" - ông Bình bày tỏ.
Thúc đẩy làn sóng tiêu dùng xanh
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, trong những năm qua Vingroup đã không ngừng nỗ lực đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực mang tính chiến lược như hạ tầng năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, công nghiệp hỗ trợ nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững. Cụ thể, Vinfast không chỉ đơn thuần sản xuất xe điện mà còn tập trung xây dựng chuỗi công nghiệp hỗ trợ từ sản xuất pin, trạm sạc cho đến các giải pháp năng lượng thông minh.
"Chúng tôi tin rằng có cơ chế khuyến khích hợp lý, làn sóng tiêu dùng xanh sẽ lan tỏa nhanh chóng góp phần hiện thực cam kết phát thải của quốc gia" - Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup khẳng định.
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup
Bên cạnh đó, Vingroup cũng xác định thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong quản lý vận hành. Các lĩnh vực về nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn được triển khai để tối ưu hóa sản xuất, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Mới đây Vingroup đã đặt chân vào lĩnh vực sẽ là xu hướng của tương lai là robot học, người máy đa năng. Vingroup xác định việc nghiên cứu và đổi mới công nghệ là yếu tố cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Quang khẳng định doanh nghiệp sẽ cam kết đóng vai trò tiên phong thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của đất nước.
Tập trung làm đường sắt đô thị
Ông Trần Bá Dương, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO), khẳng định đang nỗ lực cùng cả nước trong năm 2025 để đạt mức tăng trưởng 8%.
Cụ thể, đối với ô tô, THACO đang nắm 32% thị phần. THACO cũng đã đáp ứng được tỉ lệ nội địa hóa, từ 27 - 40% với xe du lịch, xe tải trên 50% và xe buýt là trên 20%. Các chi phí sản xuất giảm thiểu, đáp ứng được yêu cầu riêng biệt của khách hàng cũng như điều kiện sử dụng tại Việt Nam.
Ông Dương cho biết, THACO đã hình thành nền tảng vừa là nghiên cứu phát triển sản phẩm, vừa tổ chức sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất cơ khí, nhờ đó tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao.
Ông Trần Bá Dương, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO)
Với định hướng và chỉ đạo của Thủ tướng, THACO sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép. Với đội ngũ kỹ sư và kinh nghiệm nghiên cứu phát triển sản phẩm, ông Dương khẳng định sẽ nghiên cứu chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành.
"Chúng tôi cũng hứa sẽ đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm" - chủ tịch THACO nhấn mạnh.
Đối với nông nghiệp, chủ tịch THACO cho biết, sau nhiều năm, tập đoàn đã hình thành được mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tích hợp tuần hoàn trên nền tảng hữu cơ và hiện đã thành công với mô hình này tại Campuchia, tại Lào. "Một lần nữa, tôi xin phép nhận trách nhiệm hình thành một mô hình sản xuất tại cao nguyên. Hiện nay, nhận diện tại cao nguyên gặp khó khăn do quy hoạch và hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, dẫn đến việc nông dân có người làm thành công, có người chưa thành công, có lúc thành công, có lúc không thành công" - chủ tịch THACO cho hay.
Doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GDP
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2024, nước ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu; tốc độ tăng trưởng đạt 7,09%, thuộc nhóm số ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; quy mô GDP đạt 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới; xuất nhập khẩu đạt 786 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; thu ngân sách nhà nước ước vượt 19,8% dự toán, trong đó thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vượt 20,7%…Những thành tựu này có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
Với hơn 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 05 triệu hộ kinh doanh, lực lượng doanh nghiệp đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/doanh-nghiep-hien-ke-de-dat-muc-tieu-tang-truong-gdp-8-trong-nam-2025-20250210130344568.htm
Bình luận (0)