Ông Hong Sun – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) – chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ về thiệt hại của bão Yagi với cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Ông Sun nói: Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng, người dân và doanh nghiệp kiên cường, nghị lực, quá trình tái thiết nhiều khó khăn nhưng sẽ dần khôi phục.
* Ông đánh giá như thế nào về mức độ thiệt hại của các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam do cơn bão Yagi vừa qua?
– Cũng như người dân và các doanh nghiệp Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc ở miền Bắc chịu thiệt hại rất lớn do cơn bão Yagi. Doanh nghiệp ở Quảng Ninh, Hải Phòng được thống kê thiệt hại lớn nhất, nhiều doanh nghiệp ở Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ… cũng bị ảnh hưởng.
Nhiều hàng hóa hư hại, nhà xưởng, kho… sập đổ, vỡ kính, máy móc ngập nước hư hỏng… Chưa ước tính được thiệt hại quy đổi bằng tiền, nhưng nhiều nơi phải mất vài tháng để khôi phục.
Đơn cử như một nhà máy ở Hải Phòng, nhà xưởng gần biển, cả tầng hầm lẫn tầng 1 đều ngập nước, doanh nghiệp phải mất vài tháng để khắc phục vì máy móc nhiều loại phải đặt hàng lại.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn chịu thiệt hại gián tiếp do không sản xuất được ngay nên bị chậm đơn hàng. Có những đơn vị hợp đồng có điều khoản về thiên tai, nhưng có những nơi thì không, nếu chậm giao hàng cho khách hàng sẽ bị phạt, đền bù.
* Quá trình tái thiết của doanh nghiệp có khó khăn gì lớn không, thưa ông?
– Vừa dọn dẹp, vừa khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão là một quá trình không dễ dàng, nhưng các doanh nghiệp đều tận lực tối đa cho quá trình tái thiết. Mục tiêu lớn nhất là sớm đưa doanh nghiệp vào hoạt động bình thường, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.
Chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai công tác khắc phục hậu quả sau bão. Điều này góp phần giúp doanh nghiệp trong nước lẫn các doanh nghiệp Hàn Quốc dần phục hồi quá trình sản xuất.
Tuy vậy, đến nay nhiều khu vực vẫn bị cắt điện nên nhiều nhà máy chưa hoạt động trở lại. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cố gắng nhanh chóng hồi phục sớm về cơ sở hạ tầng để thuận tiện đi lại, từ đó giúp tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ổn định trở lại.
Một số nơi như Thái Nguyên, Phú Thọ… do vẫn còn ngập hoặc do cầu sập, công nhân viên chưa đi làm bình thường được. Máy móc may mắn không hỏng hóc, nhưng không có người làm cũng chưa thể vận hành bình thường được.
Chúng tôi kỳ vọng song song với quá trình tái thiết của doanh nghiệp, các hoạt động sửa chữa hạ tầng cầu đường và các hạ tầng xã hội khác được Việt Nam triển khai nhanh chóng, đồng bộ.
* Hàn Quốc cũng phải đối mặt với nhiều thiên tai, bão lũ hằng năm. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc trong khắc phục và tái thiết sau bão?
– Tôi đã sống ở Việt Nam 366 tháng, chưa từng trải qua một cơn bão nào thảm khốc như Yagi. Không riêng gì Việt Nam, cơn bão này còn hoành hành ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào…
Quá trình doanh nghiệp tái thiết sau bão cần gắn chặt và đẩy mạnh hơn nữa với câu chuyện môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Đây là vấn đề toàn cầu, doanh nghiệp Việt hay Hàn là những “mắt xích” quan trọng trong đó. Sau cơn bão này, mong rằng doanh nghiệp sẽ ý thức hơn và “ăn sâu” vào trong tiềm thức mọi hành động.
Hàn Quốc là một nước thường xuyên xảy ra bão vào mùa hè. Để hồi phục sau bão lũ hay bất cứ thiên tai nào, Chính phủ tích cực hỗ trợ các khoản vay khẩn cấp với người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại để quá trình tái thiết diễn ra nhanh hơn.
Nhiều khoản thuế được giãn, hoãn hoặc miễn. Sau khi tuyên bố thiên tai thì ngân sách của trung ương và địa phương nhanh chóng giải ngân. Trong đó, phát huy tối đa ngân sách trung ương để tái thiết sau bão.
Nhiều nguồn kinh phí tham gia cùng lúc, trong đó nhà nước tập trung xử lý các vấn đề vĩ mô, còn người dân và doanh nghiệp có các nguồn quy mô nhỏ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-han-quoc-dong-hanh-cung-viet-nam-sau-bao-yagi-20240921080634194.htm