Theo Sở Kế hoạch Đầu tư Thái Nguyên, mặc dù 8 tháng năm 2023, các chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn là một trong những địa phương nằm trong tốp đầu về xuất khẩu, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động.
Theo đó, lũy kế 8 tháng năm 2023, nhóm các sản phẩm của Thái Nguyên có sản lượng ước đạt trên 60% kế hoạch năm như than sạch khai thác trên 932.000 tấn (đạt 62,2% kế hoạch); may mặc đạt 70 triệu sản phẩm (đạt 65,3%); vonfram và sản phẩm của vonfram 15.000 tấn (đạt 71,1%). Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng ước đạt 44.378 tỉ đồng (tăng 30,5% so với cùng kỳ).
Để có được kết quả trên, các doanh nghiệp luôn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) để có doanh thu, giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm nghìn lao động và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Dự báo quý IV/2023 và năm 2024 các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang phải “gồng mình” tìm hướng đầu tư, bạn hàng để duy trì và phát triển.
Theo ông Ngô Trung – Giám đốc Công ty Lâm Khải, khó khăn nhất vẫn là vốn. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và được Ngân hàng Nhà nước triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn bất cập.
Mặc dù gặp khó khăn về thị trường, nguồn vốn, cơ hội đầu tư nhưng trong 8 tháng qua, hoạt động SXKD của các doanh nghiệp tại Thái Nguyên vẫn có sự ổn định. Một số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm nhưng không trên diện rộng, trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng công nhân ngừng việc tập thể, đình công.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên – ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, sau khi hết dịch, các quốc gia đều khuyến khích hoạt động sản xuất nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trở nên khốc liệt hơn. Đặc biệt, sự bất ổn tại một khu vực trên thế giới đã đẩy chi phí lên rất cao, nhất là với những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu.
Cụ thể như Tập đoàn An Khánh đã phải gánh khoản chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất tăng trên 200% so với những năm trước. Trong khi đó, nhiều mặt hàng phải giữ nguyên giá bán hoặc tăng không đáng kể. Để duy trì SXKD, doanh nghiệp phải nâng cao khả năng quản trị, đoàn kết, nỗ lực, tiết kiệm chi phí tối đa.
Mặc dù gặp khó khăn nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký mới vẫn tăng mạnh, từ đầu năm đến nay Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp đăng ký kinh doanh mới cho 733 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 6.962 tỉ đồng. Thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 25 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký 170,95 triệu USD.
Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên đã thực hiện cấp điều chỉnh 39 lượt giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 6 lượt điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 6,59 triệu USD.
Dự kiến, trong quý IV/2023, Thái Nguyên sẽ thực hiện cấp mới 9 dự án vào khu công nghiệp, trong đó có 5 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký trên 120 triệu USD (bao gồm cả mở rộng), 4 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư 4.000 tỉ đồng. Đây là nguồn lực rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế – xã hội.