Có thể thấy, khối doanh nghiệp FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Điều này được nhìn nhận trên các khía cạnh mới mẻ sau:
Thứ nhất là quy mô vốn. Phần lớn các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Thừa Thiên Huế có quy mô vốn lớn. Tính cả giai đoạn từ khi có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thừa Thiên Huế đến nay, quy mô vốn trung bình của mỗi doanh nghiệp FDI (vốn đăng ký) là hơn 300 triệu đô la Mỹ và xu hướng quy mô đầu tư ngày càng tăng. Trong năm 2015, với 9 dự án đầu tư mới và 3 dự án đăng ký tăng vốn đã có tổng vốn đầu tư gần 452 triệu USD, trung bình mỗi dự án đạt hơn 370 triệu USD. Khối doanh nghiệp FDI cũng chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu 680 triệu USD của toàn tỉnh.
Thứ hai, khối doanh nghiệp ngoại đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực, có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy hội nhập. Ngoài các lĩnh vực kinh tế có thế mạnh của tỉnh như du lịch, y tế, giáo dục… các doanh nghiệp FDI đã hướng vào các lĩnh vực mới mẻ hơn như dệt may, nông nghiệp. Có phải đây là xu hướng đón đầu cho khu vực Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành trong năm tới ? Điều đó có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó mở ra một thời kỳ phát triển kinh tế mới của tỉnh. Với quy mô hết sức nhỏ, chủ yếu là hoạt động nội địa, một khi cánh cửa hội nhập kinh tế quốc tế mở toang, nhìn ở khía cạnh tích cực, các doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng trong dẫn dắt hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ ba, có thể nói đây là điều hết sức quan trọng trong phát triển, đó là sự “âm thầm” chuyển giao cách quản trị doanh nghiệp hiện đại, hiệu quả. Ví dụ như vì sao doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả, cách thức quản trị doanh nghiệp như thế nào, định hướng chiến lược và các bước đi như thế nào để doanh nghiệp phát triển trong dài hạn… Hoạt động bên cạnh khối doanh nghiệp FDI, khối doanh nghiệp nội có thể học hỏi được những điều này một cách thực tế nhất. Ngoài ra khối doanh nghiệp ngoại còn chỉ ra những tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Ví dụ như lĩnh vực nông nghiệp – lĩnh vực được cho là khả năng sinh lợi thấp, ẩn chứa nhiều rủi ro nên rất ít doanh nghiệp chọn lĩnh vực này để đầu tư. Với sự đầu tư rất lớn của một tập đoàn kinh tế mạnh của Thái Lan (CP) đã cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp vẫn có những thế mạnh, vấn đề là cách thức quản lý, đưa hàm lượng kỹ thuật như thế nào vào trong sản xuất nông nghiệp, để tạo ra chuỗi giá trị – sản xuất – chế biến – tiêu thụ.
Hẳn nhiên, khi vai trò dẫn dắt thuộc về khối doanh nghiệp FDI, nền kinh tế sẽ bị phụ thuộc. Vấn đề là ở chỗ, cùng với vai trò và sự đóng góp của khối DN FDI, khối DN nội ( trong và cả ngoài tỉnh) sẽ nhận ra được cơ hội gì và sẽ tìm thấy phân khúc nào của mình để tham gia đầu tư? Điều quan trọng hơn là ở chỗ, họ sẽ được tư vấn, hỗ trợ và tạo thêm những điều kiện như thế nào để có thể đứng trong sân chơi và từng bước xác lập vị thế của mình?