Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu họp thẩm định dự thảo đề nghị xây dựng luật Thuế giá trị gia tăng (thuế VAT). Dự thảo do Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì soạn thảo.
Đề xuất áp thuế VAT 5% với phân bón
Một nội dung đáng chú ý được Bộ Tài chính đề xuất, đó là chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế VAT như quy định hiện hành, sang đối tượng chịu thuế VAT, với mức thuế suất là 5%.
Theo cơ quan soạn thảo, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón (thuộc đối tượng không chịu thuế VAT) đang gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm.
Điều này gây bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại, không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Xuất phát từ tình trạng trên, nhiều ý kiến đề nghị chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế để được khấu trừ thuế VAT đầu vào, qua đó sẽ tăng sức cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước. Lãnh đạo Chính phủ cũng có nhiều chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc về thuế suất thuế VAT cho phân bón, nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp phân bón.
Bộ Tài chính đánh giá, với đề xuất áp thuế VAT 5% với phân bón, số thuế VAT đầu vào của doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ khoảng 950 tỉ đồng; số thuế VAT đầu vào còn lại (khoảng 250 tỉ đồng) sẽ được khấu trừ vào kỳ tiếp theo hoặc được hoàn thuế.
Đây là cơ hội để phân bón sản xuất trong nước có thêm điều kiện cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, bằng việc có thêm cơ hội để hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Việc này cũng góp phần phát triển ngành sản xuất phân bón trong nước, tạo nguồn cung ổn định cho người nông dân, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, khắc phục việc giá cả không ổn định, cũng như sự biến động giá của phân bón nhập khẩu.
Doanh nghiệp được lợi nhưng nông dân gặp khó?
Cho ý kiến về dự thảo, ngoài các cơ quan đồng tình, một số cơ quan bày tỏ lo ngại việc áp dụng thuế VAT đối với phân bón tuy có lợi cho doanh nghiệp sản xuất nhưng sẽ có thể làm giá mặt hàng này tăng, gây khó cho người nông dân – đối tượng sử dụng sản phẩm.
Điển hình, TP.Cần Thơ đề nghị giữ nguyên quy định như hiện hành về việc phân bón không chịu thuế VAT. Theo đó, nếu đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế VAT, trước mắt sẽ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón.
Ngược lại, những người trực tiếp làm nông nghiệp và sống bằng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp sẽ đối mặt với khó khăn, vì khi phân bón chịu thuế VAT thì giá thành của phân bón sẽ tăng, làm tăng chi phí, tăng giá thành, giảm lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống người nông dân.
Bộ Tài chính nhận định, việc đưa phân bón vào nhóm chịu thuế VAT sẽ giúp giảm giá thành phân bón do doanh nghiệp sản xuất được khấu trừ thuế VAT đầu vào. Nhưng theo TP.Cần Thơ, “đó là trên lý thuyết, thực tế ít có mặt hàng nào từ không chịu thuế VAT chuyển sang chịu thuế VAT (thuế suất 5%) mà giá bán trên thị trường không tăng”.
Cùng cho ý kiến, Bộ NN-PTNT nhận định, để giảm áp lực cho nông dân trong bối cảnh dịch bệnh và giá phân bón tăng cao, giá nông thủy sản thấp như thời gian qua, Bộ Tài chính cần đánh giá kỹ tác động với người nông dân và cân nhắc mức thuế suất VAT cho phù hợp.
Tương tự, TP.HCM cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính, nhưng cho rằng phân bón là đầu vào của hoạt động sản xuất nông nghiệp nên khi mặt hàng này chuyển sang chịu thuế VAT sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới giá tiêu thụ của sản phẩm nông nghiệp (đầu ra không chịu thuế VAT nên không được khấu trừ). Vì vậy, Bộ Tài chính cần cân nhắc nội dung này.
Tiếp thu các đóng góp trên, Bộ Tài chính cho hay sẽ phối hợp với các bộ chuyên ngành đánh giá kỹ lưỡng trong giai đoạn xây dựng luật Thuế VAT (sửa đổi).
Vẫn theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất chuyển tàu đánh bắt xa bờ và một số loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp sang đối tượng chịu thuế VAT, với thuế suất 5%.
Đồng thời, quy định tên một số máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế VAT 5% và giao Chính phủ quy định danh mục gồm: máy cày, máy bừa, máy cấy, máy gieo hạt, máy tuốt lúa, máy gặt, máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, máy hoặc bình bơm thuốc trừ sâu và máy móc, thiết bị chuyên dùng khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Các loại máy móc, thiết bị có thể dùng vào nhiều mục đích khác nhau sẽ chuyển sang áp dụng thuế suất thuế VAT 10%.