Nhìn lại giai đoạn khó khăn vừa qua, nhiều doanh nghiệp xem đó là bài học lớn để chọn hướng đi bền vững hơn, không đặt mục tiêu tăng trưởng “nóng” bằng mọi giá.
Không đặt mục tiêu tăng trưởng nóng
Mới đây, CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia phát đi thông báo hoàn thành thanh toán toàn bộ nghĩa vụ liên quan của lô trái phiếu AGG12202, giá trị 300 tỷ đồng, qua đó đưa dư nợ trái phiếu về 0. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng ra thông báo hủy bỏ đăng ký giao dịch của lô trái phiếu này.
Việc đưa nợ trái phiếu về 0 của An Gia được công bố tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Công ty này cũng cho biết, chưa có kế hoạch huy động vốn, mà chỉ có kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức 25% và cổ phiếu ưu đãi theo chương trình lựa chọn cho người lao động.
Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT An Gia nhận định, thị trường bất động sản hiện tại tương đối nhạy cảm với sự chuyển biến chính sách điều hành, do đó, An Gia đề ra chiến lược phát triển thận trọng, bền vững, với mức tăng trưởng 20%, đưa ra thị trường 2.000 – 3.000 sản phẩm mỗi năm.
Lãnh đạo An Gia cũng cho rằng, năm nay, thị trường sẽ có các thử thách, nhưng mở ra nhiều cơ hội khác nhau, nhất là việc gom thêm quỹ đất với giá tốt. Doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm quỹ đất dự án ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An.
Tuy nhiên, ông Sáng cho biết, hoạt động này chỉ dừng ở mức nghiên cứu, chưa thể xuống tiền, bởi chưa phù hợp, pháp lý dự án đang chậm. Doanh nghiệp phải chờ đến tháng 7, khi Luật Đất đai có hiệu lực và pháp lý đã thông, mới mua các dự án.
Những bước đi thận trọng như của An Gia là có cơ sở. Mặc dù đang đi vào quỹ đạo hồi phục khi các doanh nghiệp có vẻ đã sẵn sàng cho đường đua, đón đầu chu kỳ mới, song thách thức vẫn hiện hữu khi các doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu, chưa kể, những chính sách mới ban hành cũng cần độ trễ nhất định để thẩm thấu.
Trong bối cảnh này, mục tiêu phát triển được các doanh nghiệp công bố gần đây cho thấy, thay vì tăng trưởng nóng, chiến lược “chậm mà chắc” được đặt lên hàng đầu.
Bà Đinh Thị Nhật Hạnh, Tổng giám đốc Khải Hoàn Land đánh giá, thị trường bắt đầu có khởi sắc, nhưng vẫn cần những bước đi thận trọng. Kế hoạch năm 2024 được Công ty xây dựng trên giả định thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Trước mắt, Công ty tập trung phát triển các dự án đang trong quá trình đầu tư và đẩy mạnh chính sách bán hàng. Nếu khả quan hơn, Khải Hoàn Land sẽ ký thêm các dự án do chính Công ty là nhà phát triển hoặc độc quyền phân phối.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, thị trường ghi nhận hàng loạt dự án cả mới và cũ được triển khai kinh doanh, tái khởi động, khởi công, diễn ra tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương… cho thấy, các doanh nghiệp đang trên đà quay lại thị trường với chiến lược lâu dài và sự chuẩn bị kỹ càng hơn về nội lực.
Theo đánh giá từ giới phân tích, hầu hết dự án triển khai ra thị trường trong quý đầu năm đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về pháp lý, tiến độ xây dựng, các chương trình, chính sách bán hàng, thể hiện sự minh bạch và năng lực của chủ đầu tư. Đây cũng là yếu tố quyết định tới thành công của các chủ đầu tư trong chu kỳ mới.
Hướng đến phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực
Tuy còn khó khăn, nhưng thị trường bất động sản vẫn có nhiều kỳ vọng về một chu kỳ phục hồi khi mặt bằng lãi suất hạ, các bộ luật có liên quan được thông qua, tạo môi trường pháp lý hoàn thiện hơn.
Nhiều doanh nghiệp công bố chiến lược phát triển mới, trong đó tập trung hoàn thiện pháp lý để tái khởi động các dự án; ưu tiên phát triển phân khúc nhà ở thực, có thanh khoản cao.
Mới đây, Tập đoàn Hoàng Quân ký kết hợp tác chiến lược với Novaland để xây nhà ở xã hội, mục tiêu hoàn thành 3.000 căn trong năm nay.
Theo thỏa thuận, Hoàng Quân và Novaland cùng đóng góp tài chính, năng lực, kinh nghiệm, khai thác quỹ đất sẵn có của cả hai để xây dựng các dự án nhà xã hội tại TP.HCM và nhiều địa phương khác như Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Long An…
Được biết, trước đó, Novaland tuyên bố sẵn sàng nhận nhiệm vụ phát triển 200.000 căn nhà xã hội tại các tỉnh phía Nam. Việc hợp tác với Hoàng Quân chính thức đánh dấu việc Novaland tham gia xây nhà ở xã hội.
Hiện thị trường bất động sản đang lệch pha cung – cầu, 70% là sản phẩm cao cấp, còn lại thuộc phân khúc trung cấp, hoàn toàn thiếu vắng sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền – phân khúc có tính thanh khoản cao, nhu cầu cao và có cơ hội phục hồi trước tiên khi thị trường gặp khó khăn.
Do đó, nhiều doanh nghiệp khẳng định, sẽ ưu tiên tập trung phát triển các phân khúc mà người dân cần. “An Gia tự hào đã phát triển phân khúc tầm trung, đúng nhu cầu thị trường. Sau giai đoạn thị trường đóng băng sẽ đến giai đoạn phục hồi, thì đây là phân khúc phục hồi đầu tiên”, ông Nguyễn Bá Sáng chia sẻ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhìn nhận, trải qua những đợt khó khăn, các doanh nghiệp đã rút ra bài học kinh nghiệm quý giá, để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo ông Châu, từ nay đến cuối năm 2024, thị trường bất động sản TP.HCM còn tiếp tục mất cân đối cung cầu nhà ở, thiếu hụt nguồn cung dẫn tới hệ quả giá nhà có thể bị đẩy lên hoặc neo giá cao. Thị trường vẫn lệch pha về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân, nhà ở xã hội.
“Các luật nếu sớm đi vào thực tiễn sẽ tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản từ khoảng cuối năm 2024 và trở lại bình thường vào khoảng giữa năm 2025 trở đi”, Chủ tịch HoREA dự báo.
Nguồn: https://baodautu.vn/batdongsan/doanh-nghiep-dia-oc-than-trong-do-thi-truong-d216614.html