Từ giữa năm 2022 đến nay, những khó khăn của nền kinh tế do tác động hậu đại dịch COVID-19, như lạm phát và lãi suất tăng cao. Cùng sự khó khăn của nhiều lĩnh vực, ngành nghề đang khiến đơn hàng dệt may ở nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Thực trạng này, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực, gia tăng các biện pháp ứng phó thiết thực.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Cổ phần May Sông Hồng. |
Đơn hàng khan hiếm
Ông Vũ Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định cho biết: Quý I-2022 hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng Công ty tiếp đà thuận lợi từ năm 2021, nhưng từ quý 2 năm 2022 đến nay, do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, xung đột quân sự… nên việc tiêu thụ sản phẩm ngành sợi rất khó khăn, đơn hàng ngành may bị thiếu hụt, giá gia công giảm sâu nên hiệu quả thấp. Các thị trường xuất khẩu lớn của Tổng Công ty như châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… lượng đơn hàng bị hủy, giảm nhiều, đặc biệt thị trường Trung Quốc gần như đóng băng. Lạm phát còn cao, lãi suất vay vốn ngân hàng vẫn ở mức cao làm tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp. Theo kế hoạch, Công ty dự kiến trong quý I-2023 đạt tổng doanh thu 474,2 tỷ đồng nhưng thực tế khó khăn nên chỉ đạt tổng doanh thu 462,2 tỷ đồng.
Theo ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần May Sông Hồng: May Sông Hồng là doanh nghiệp nằm trong tốp đầu của ngành dệt may quốc gia, có nhiều đối tác tầm cỡ trên thế giới như các tập đoàn Wal-mart, Columbia, Target… Trong đó, May Sông Hồng đang là một trong 4 đối tác lớn nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương và nằm trong nhóm 34 đối tác đứng đầu trên toàn cầu, là đối tác duy nhất tại Việt Nam của Công ty TNHH Columbia Sportwear (doanh thu mỗi năm đạt khoảng 3,5 tỷ USD). Công ty luôn chủ động kế hoạch sản xuất tương ứng theo tiêu chí không ngừng lớn mạnh của Công ty TNHH Columbia Sportwear. Do sức mua trên thị trường sụt giảm, khiến các doanh nghiệp, Tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới giảm lượng hàng nhập nên May Sông Hồng cũng nằm chung trong nhóm doanh nghiệp dệt may gặp khó. Từ trước đến nay, Công ty đã từng trải qua rất nhiều khó khăn; trong giai đoạn đại dịch COVID-19 tưởng đã là đỉnh điểm của khó khăn, nhưng việc thiếu đơn hàng trong giai đoạn hiện nay là khó khăn nằm ngoài dự tính và gây nhiều áp lực cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh May Sông Hồng phải đảm bảo việc làm, ổn định đời sống cho 12.500 lao động”. Cũng theo ông Thịnh nhận định thì việc thiếu đơn hàng nguy cơ cao là tiếp tục kéo dài vào giai đoạn cuối năm nay và những tháng đầu năm tới.
Đối với các doanh nghiệp dệt may lớn đã khó như thế, các doanh nghiệp nhỏ lại càng khó khăn. Từ đầu năm 2023 đến nay, nhu cầu sử dụng sản phẩm dệt may giảm, lượng hàng tồn kho cao nên khách hàng phải theo dõi tín hiệu thị trường rồi mới tính tiếp có đặt hàng hay không. Vì vậy các doanh nghiệp dệt may của tỉnh ta đang phải “ăn đong” đơn hàng. Theo Cục Thống kê tỉnh, 4 tháng đầu năm 2023, lượng hàng tồn kho của ngành dệt tăng 140,39%; chỉ số lao động sử dụng của ngành dệt giảm 22,86%.
Đại diện ngành Công Thương đánh giá, mối lo lớn hiện nay là chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu đang dịch chuyển theo hướng bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ lượng hàng sụt giảm mà đơn giá cũng bị giảm từ 10 đến 15% do phải cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các đối thủ từ Bangladesh, Ấn Ðộ, Trung Quốc… Đáng kể, một số mặt hàng có khả năng cạnh tranh của Bangladesh hiện đơn giá thấp hơn Việt Nam từ 20-30% do 90% nguyên phụ liệu từ bông cho đến sợi, vải họ có thể tự lo được trong khi Việt Nam phải nhập khẩu gần 80% nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Với những đơn vị làm hàng dễ, hàng có thể cơ khí hóa, tự động hóa được thì Bangladesh đầu tư rất mạnh, đồng thời hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp thông qua các cơ chế, chính sách nên có sức cạnh tranh rất mạnh với doanh nghiệp của Việt Nam.
Nỗ lực ứng phó
Để ứng phó, vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp dệt may đã dốc sức, nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp. Nhóm doanh nghiệp dệt may quy mô nhỏ chọn cách hỗ trợ, cùng nhau chia sẻ đơn hàng; nguồn cung ứng nguyên liệu để đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn, đủ khối lượng tất cả các hợp đồng đã ký kết. Doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, tiếp cận nhận diện nhanh tín hiệu tích cực về sức mua của các thị trường, dù nhỏ; không nề hà, sẵn sàng tìm kiếm và chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, tiếp cận các thị trường ngách và chủ động cắt giảm lợi nhuận để giảm giá thành, đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường vẫn giữ được chất lượng tốt nhưng với mức giá linh hoạt, có sức cạnh tranh nhất.
Đối với các doanh nghiệp lớn, ưu tiên số một là ổn định việc làm, giữ chân người lao động, tránh rơi vào tình trạng khi nhận được đơn hàng lớn trở lại thì không có nhân lực sản xuất. Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định luôn đảm bảo nộp thuế, bảo hiểm xã hội cho người lao động, không đóng máy, dừng chờ, duy trì được việc làm, ổn định đời sống cho người lao động và bảo toàn đội ngũ nhân lực. Trong điều kiện khó khăn như trên, từ nay đến cuối năm 2023, Tổng Công ty tiếp tục thực hiện chính sách tiết kiệm chi phí toàn diện, khai thác tối đa hệ thống máy móc sản xuất khăn, nhuộm, may hiện có; tiếp tục đầu tư bổ sung thiết bị, nâng cao năng lực, công suất sản xuất theo chuỗi nội bộ; thực hiện quản trị chất lượng tốt để chuyển đổi làm hàng FOB cho các sản phẩm may mặc. Chú trọng tìm mọi nguồn hàng, kể cả hàng không phải sở trường để đảm bảo việc làm, ổn định đời sống cho người lao động. Đẩy mạnh xuất khẩu sợi sang Trung Quốc và các nước khác; sản phẩm khăn sang thị trường Nhật, Hàn Quốc; sản phẩm vải sang thị trường Mỹ, Nhật… Trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều bất lợi, Công ty Cổ phần May Sông Hồng không đạt kế hoạch sản xuất đề ra nhưng vẫn nỗ lực đảm bảo duy trì việc làm cho hàng chục nghìn người lao động, chi trả cổ tức 25% năm 2022 bằng tiền mặt cho cổ đông là những nỗ lực lớn của Công ty. Trước những diễn biến thị trường bất lợi cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, Ban lãnh đạo Công ty đã thông qua kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023 theo hướng gia tăng tính thận trọng, hạ mức lợi nhuận. Các giải pháp trọng tâm May Sông Hồng thực hiện từ nay đến hết năm 2023 bao gồm: Tiếp tục phát triển các khách hàng FOB truyền thống và tiềm năng, thị trường chăn ga gối nệm và logistics để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng doanh thu. Giữ ổn định công việc cho cán bộ, nhân viên bằng cách đa dạng hóa khách hàng và chủng loại hàng hóa, tăng cường khả năng cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng cho khách hàng như phát triển mẫu, đầu tư bảo vệ môi trường để nâng cao niềm tin với các khách hàng chiến lược của Công ty. Tiết kiệm các chi phí đầu tư, tiếp tục khâu số hóa quản trị để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí hoạt động
Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng chú trọng nâng cao hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may phục hồi, phát triển; thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất vay; đẩy mạnh hỗ trợ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa các thủ tục rườm rà, gây tốn kém cho doanh nghiệp… để phù hợp tình hình mới. Tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là chính sách và động thái chính sách mới của các nước lớn, các nước có tầm ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm dệt may để tham mưu, tư vấn, phản ứng chính sách phù hợp. Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới, nhằm thúc đẩy các chuỗi cung ứng, liên thông, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm dệt may, tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU – những nơi mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại song phương./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý