Ảnh hưởng an ninh năng lượng và phát triển kinh tế
Ngày 4.1, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra tồn tại, bất cập trong vấn đề mua bán xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, khiến hệ thống kinh doanh xăng dầu bị phá vỡ.
Theo kết luận thanh tra, nghĩa vụ, trách nhiệm của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu do Bộ Công Thương phân giao hàng năm và bình ổn thị trường khi cần thiết, nhưng các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lại mua bán xăng dầu của nhau.
Điều này dẫn đến tình trạng thương nhân đầu mối lại trở thành các thương nhân phân phối, mua bán qua trung gian, làm tăng chi phí lưu thông. Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Phúc đã đứng ra làm trung gian mua bán xăng dầu, để hưởng chênh lệch giá với số tiền lên tới hơn 2 tỉ đồng.
“Trong 5 năm, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã mua bán xăng dầu với nhau để hưởng chiết khấu, chênh lệch giá lên tới 9.770 tỉ đồng. Từ đó, chiết khấu của đại lý, cửa hàng bán lẻ bị giảm, thậm chí không còn tiền chiết khấu.
Điều này là một trong những nguyên nhân khiến đại lý, cửa hàng bán lẻ bị lỗ, dừng bán, gây gián đoạn nguồn cung cho thị trưởng, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, an ninh năng lượng và phát triển kinh tế”, kết luận thanh tra nêu.
Điều hành không công bằng, hiệu quả
Nêu trách nhiệm về việc nhập khẩu xăng dầu không đầy đủ, Thanh tra Chính phủ cho biết, Bộ Công Thương là cơ quan điều phối khối lượng xăng dầu nhập khẩu và tổng nguồn xăng dầu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước.
Tuy nhiên, bộ này không hướng dẫn, quản lý các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu theo quý, dẫn đến không có kế hoạch, tiến độ chung để quản lý.
Nhiều thương nhân không nhập khẩu xăng dầu, không nêu rõ lý do hoặc lý do không phù hợp, thời gian gửi báo cáo chậm hơn theo quy định nhưng đều được Bộ Công Thương chấp thuận.
Đáng chú ý, kết luận thanh tra cũng xác định các thương nhân đầu mối có vai trò như nhau nhưng do cách quản lý, điều hành thiếu khách quan, công bằng của Bộ Công Thương dẫn đến một số thương nhân đầu mối phải thực hiện nhiệm vụ của một số thương nhân đầu mối còn lại. Do đó, nhiều thương nhân không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ khi cần thiết. Chẳng hạn việc giao 10 đầu mối phải nhập khẩu sản lượng tăng thêm, trong khi có tất cả 32 thương nhân đầu mối nhập khẩu.
“Qua đó cho thấy trong trường hợp nguồn cung xăng dầu đòi hỏi cấp thiết, việc điều hành xuất, nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công Thương không hiệu quả. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu”, kết luận thanh tra chỉ rõ.
Thanh tra Chính phủ nhận định, Bộ Công thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, chấn chỉnh không kịp thời, dẫn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn biến phức tạp, nhiều hành vi mua bán trái quy định, phá vỡ các nguyên tắc đã được quy định trong Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu.