Chia sẻ với hàng trăm sinh năm cuối trong chương trình giao lưu chủ đề “Ngưỡng cửa cuộc đời” do Trường CĐ Quốc tế TP HCM tổ chức mới đây, ông Nguyễn Chí Thành, đại diện Công ty Cổ phần Viễn thông FPT Telcome, cho biết bản thân cũng thuộc thế hệ trẻ, từng tìm kiếm nhiều công việc khác nhau trong quá trình học tập.
Ông Thành cho rằng sinh viên mất từ 2-3 năm để hoàn thiện một CV (Curriculum Vitae – sơ yếu lý lịch) tốt, ấn tượng với doanh nghiệp. Theo khảo sát, đa số sinh viên tốt nghiệp ra trường đều mong muốn có thể tìm được mức lương khởi điểm dao động từ 10- 20 triệu đồng.
Là đơn vị tuyển dụng, ông Thành khẳng định doanh nghiệp không bắt buộc sinh viên mới ra trường phải có kinh nghiệm làm việc tại vị trí nào đó. Giữa thái độ và trình độ, doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn những lao động có thái độ tốt.
“Thái độ chiếm ưu thế 70%, kỹ năng chiếm 26% và 4% còn lại phụ thuộc vào kiến thức của đối tượng xin việc. Thế hệ Gen Z là lực lượng lao động rất tiềm năng, tuy nhiên nhiều trường hợp bạn trẻ ứng xử không phù hợp, thường xuyên “nhảy” việc, những điều này khiến doanh nghiệp e dè khi tuyển dụng” – ông Thành cho hay.
Khi sinh viên đặt câu hỏi bàn luận sâu hơn, cụ thể như thế nào là người có thái độ tốt? Ông Thành nêu rõ 8 yếu tố vàng gồm tinh thần tự học, tự tin, trách nhiệm, lạc quan, hợp tác, chính trực, trung thực, cống hiến nhiều hơn.
Bà Đinh Thị Tuyết Trinh, Giám đốc nguồn nhân lực Công ty Alta Group, cho biết khi tiếp nhận sinh viên thực tập hoặc nhân viên thử việc, công ty đều chuẩn bị chỗ ngồi, tùy vào công việc mà sẽ trang bị thêm máy tính cá nhân. Tuy nhiên, một số bạn trẻ không đi làm với tâm thế cống hiến, học tập, đóng góp xây dựng cho cơ quan.
“Nếu chưa có kinh nghiệm làm việc thì thái độ là yêu cầu nhất định phải có. Cơ quan luôn sẵn sàng đào tạo, khoảng thời gian 8 tiếng làm việc chính là cơ hội để các bạn trẻ trau dồi thêm kỹ năng cho bản thân chứ không phải chỉ để điểm danh rồi đi tan làm” – bà Trinh nhận xét.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn cho rằng sinh viên không nên lạm dụng vào công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra CV xin việc quá hoàn hảo và hấp dẫn. Chỉ cần qua một thời gian làm việc, doanh nghiệp hoàn toàn có thể kiểm tra được năng lực của nhân viên, vì vậy cần trung thực và thẳng thắn ngay từ lần tuyển dụng đầu tiên.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP HCM, việc giao tiếp và tương tác của hai bên trở nên khó khăn hơn vì Gen Z luôn đặt kỳ vọng cao vào nhà tuyển dụng, tâm lý lo ngại sự rủi ro cũng cao hơn… Do đó nhà tuyển dụng cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc thay đổi, cải tiến quy trình tuyển dụng, nhằm tạo được trải nghiệm tuyển dụng tốt, chiếm được niềm tin của ứng viên.
Nguồn: https://nld.com.vn/doanh-nghiep-dau-dau-vi-thai-do-cua-nguoi-tre-khi-tuyen-dung-196240813144103887.htm