Trong 7 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang dần được phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, khai khoáng tăng 5,02%; chế biến, chế tạo tăng 6,19%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 1,88%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,71%.
Trong tháng 7, tình hình sản xuất một số sản phẩm công nghiệp tương đối ổn định và tăng so với tháng trước. Trong đó, ván ép và các vật liệu tương tự đạt 3.887 m3, tăng 3,2%; mủ cao su 1.614 tấn, tăng 8,5%; bồn inox, bồn nhựa 3.914 sản phẩm, tăng 1,3%; điện sản xuất 227 triệu kWh, tăng 26,8%; nước máy 382.000 m3, tăng 1,4%; sản phẩm alumin 57.000 tấn, tăng 3,9%…
Theo đánh giá của Sở Công thương, trong tháng 7, thời tiết trên địa bàn thuận lợi cho các nhà máy thủy điện phát huy công suất. Nguồn nguyên liệu cũng bảo đảm cho hoạt động sản xuất của nhà máy alumin Nhân cơ.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm, đầu ra sản phẩm của nhiều ngành hàng không thuận lợi, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Số lượng đơn hàng giảm, khiến hàng tồn kho của ngành chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Một số sản phẩm công nghiệp giảm hoặc không sản xuất do không có đơn đặt hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu. Trong đó, một số sản phẩm giảm sâu so với cùng kỳ năm trước như: đậu phụng, đậu nành sấy giảm 34,9%; cồn tinh luyện giảm 46,8%; khí CO2 giảm 19,4%…
Theo ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ (Tuy Đức), những tháng đầu năm, hoạt động của Công ty hết sức khó khăn do thiếu đơn hàng, giá sản phẩm giảm mạnh.
Công ty đã tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ. Công ty tranh thủ ưu tiên nguồn lực để thu mua, dự trữ nguyên liệu khi giá đang xuống thấp. Qua đó, Công ty vừa hỗ trợ đầu ra nông sản cho bà con, vừa duy trì việc làm cho người lao động.
Công ty cũng tập trung nâng cao hiệu quả trong công tác quản trị, ưu tiên giữ chất lượng sản phẩm để tạo lợi thế cạnh tranh, tích cực tìm kiếm những đơn hàng mới…
Để phục hồi và phát triển sản xuất, các doanh nghiệp mong muốn tiếp tục có chính sách ưu đãi giảm lãi suất; gia hạn, giãn nợ để có thêm nguồn vốn xoay vòng.
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Bá Út cho biết, trong những tháng cuối năm, ngành Công thương tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách phát triển công nghiệp.
Các hoạt động kết nối cung – cầu, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm công nghiệp của tỉnh sẽ được ngành Công thương đẩy mạnh.
Ngành Công thương đặc biệt chú trọng xúc tiến các hoạt động kết nối với thị trường nước ngoài, giúp các doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu hiệu quả
Ngành Công thương sẽ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) để thuận lợi hơn trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
6 tháng đầu năm 2023, Đắk Nông có 304 doanh nghiệp đăng ký thành lập, với tổng vốn 1.239 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập giảm 20%, số vốn đăng ký giảm 60,59%. Chiều ngược lại, Đắk Nông có 46 doanh nghiệp giải thể, giảm 9,8%; 127 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giảm 22,56%; 104 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.