Chiều 21.9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội do Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì; Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng đại diện nhiều cơ quan liên quan, lãnh đạo ngân hàng, doanh nghiệp… tham dự.
Báo cáo về vấn đề tiếp cận tín dụng và tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết đến ngày 15.9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỉ đồng, chỉ tăng 5,56% so với cuối năm 2022.
Trong khi đó, tại Hà Nội, đến cuối tháng 8, dư nợ tín dụng ước đạt trên 3,2 triệu tỉ đồng, tăng 10,35% so với cuối năm 2022, cao hơn mức tăng của toàn quốc và vùng đồng bằng sông Hồng là 8,35%.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho rằng hội nghị của NHNN với doanh nghiệp chỉ trong phạm vi địa bàn thủ đô nhưng rất quan trọng. Hà Nội có khoảng 370.000 doanh nghiệp, đồng thời là nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động phạm vi toàn quốc, toàn cầu.
Thời gian qua, nền kinh tế nói chung, ngành ngân hàng nói riêng phải đối mặt với “cơn bão” rất mạnh về tài chính, tiền tệ, tiềm ẩn rủi ro nguy cơ đổ vỡ hệ thống hàng loạt… Nhưng đến nay, nhiều khó khăn, thách thức đã qua đi là nhờ nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và trong đó ngành ngân hàng góp công rất lớn.
Nói về phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến việc doanh nghiệp phải chịu phạt phí khi trả nợ trước hạn, kể cả trong trường hợp vay vốn ngân hàng khác để trả như quy định mới đây được ban hành, theo ông Thanh, trong hoàn cảnh sản xuất, kinh doanh thuận lợi thì không vấn đề gì. Nhưng nên xem xét đến thời điểm khó khăn như thời gian qua, hiện tại và cả tương lai thì cần giảm hoặc miễn phạt lãi để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Thanh đề nghị ngành ngân hàng và Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nghiên cứu, xem xét để hỗ trợ thêm cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Hà Nội có 370.000 doanh nghiệp cũng giống như 370.000 số phận, kể ra thì không hết được khó khăn của từng doanh nghiệp. Chỉ mong chính sách của NHNN, các ngân hàng thương mại bao quát nhất để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tín dụng tốt hơn, nhanh hơn, kịp thời trong khi doanh nghiệp còn có khả năng hấp thụ mới có hiệu quả.
“Lúc doanh nghiệp còn khả năng hấp thụ thì chỉ cần đưa nước hay chút cháo loãng vào thôi là họ sống. Còn khi doanh nghiệp mất khả năng hấp thụ thì ngân hàng có đưa nhân sâm vào họ vẫn chết”, ông Thanh ví von.
Cần truyền thông sâu rộng chính sách tiền tệ, tài chính
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng nói về thiếu sót trong công tác truyền thông liên quan đến các chính sách tài chính, tiền tệ. Ông Thanh dẫn chứng có nhiều gói tín dụng hỗ trợ, thậm chí có gói hỗ trợ lãi suất tới hơn 29% mà khi khảo sát cộng đồng doanh nghiệp không hề biết.
“Chúng ta cứ nghĩ đưa lên ti vi phát vào lúc 19 giờ, 24 giờ… rồi là coi như toàn dân biết. Trong khi hiện nay thị phần ti vi bị cạnh tranh, không phải ai cũng có thời gian xem. Doanh nghiệp thì lăn lộn làm ăn, di chuyển trên xe liên tục, 7 – 8 giờ tối chưa về đến nhà thì xem lúc nào. Đề nghị ngành ngân hàng có cách thức truyền thông ra sao để doanh nghiệp, người dân cùng biết đến sâu, rộng các chính sách tiền tệ, tài chính, gói hỗ trợ mà tìm đến vay”, ông Thanh nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ ghi nhận các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các đại diện ngân hàng thương mại và của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Các kiến nghị sẽ được NHNN tổng hợp, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Bà Hồng cũng cho biết, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tín dụng cho khu vực, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ khách hàng, kết nối sâu rộng với doanh nghiệp, người dân để đẩy mạnh cho vay vốn.