Cơ hội cho doanh nghiệp da giày tìm kiếm đối tác Là điểm ngắm của nhiều nhà sản xuất, ngành da giày có đủ sức mở rộng thị phần? |
EU là thị trường xuất khẩu quan trọng của doanh nghiệp da giày trong nước. Năm 2023, thị trường EU chiếm khoảng 23% tỷ trọng xuất khẩu của ngành. Sang năm 2024, tình hình đơn hàng có khởi sắc hơn, xuất khẩu giày dép sang một số thị trường trong khối tăng đáng kể, như: Bỉ đạt trên 625 triệu USD, Đức trên 369 triệu USD, Hà Lan 782 triệu USD, Italia 184 triệu USD, Pháp 267 triệu USD…
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp da giày trong nước phản ánh, xuất khẩu sang thị trường EU có khởi sắc nhưng doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong ngắn và dài hạn.
Theo ông Trần Quốc Bảo- Phó giám đốc Công ty CP Giày dép Cao Su Màu, giày dép của công ty sản xuất ra có đến 80% xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Tuy sản xuất, xuất khẩu có sự phục hồi tốt hơn so với năm 2023 nhưng doanh nghiệp vẫn thiếu những đơn hàng lớn, dài hạn, giá đơn hàng không tăng.
Doanh nghiệp da giày lo ứng phó với CBAM . |
Không những vậy, quy định tiêu chuẩn mới tại thị trường sở tại cũng khiến doanh nghiệp da giày trong nước lo lắng. Riêng với CBAM, bà Phan Thị Thanh Xuân- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cho hay, CBAM là một chính sách thuộc Thỏa thuận xanh châu Âu, là chiến lược tăng trưởng mới của EU nhằm kiểm soát lượng khí nhà kính được thải ra từ hàng hóa nhập khẩu vào các quốc gia trong liên minh. CBAM điều chỉnh trực tiếp bởi một loại thuế carbon sẽ được áp dụng cho một nhóm mặt hàng có lượng phát thải cao.
Từ ngày 01/10/2023, CBAM thực hiện áp dụng thí điểm cho giai đoạn chuyển tiếp và dự kiến sẽ thực hiện đầy đủ từ năm 2026.
Cũng theo bà Xuân, giày dép là ngành được đánh giá trong quá trình sản xuất gây ra phát thải lớn, do vậy cũng nằm trong số đối tượng chịu tác động từ CBAM. EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, việc chuẩn bị để thay đổi và ứng phó với quy định này là cần thiết với ngành.
Việc thay đổi không chỉ đơn giản là một phần trong quá trình sản xuất mà gần như phải thay đổi hệ thống sản xuất của toàn bộ nhà máy. Để làm được điều này, đầu tiên doanh nghiệp phải tìm hiểu cặn kẽ thông tin, quy trình để đáp ứng và tuân thủ CBAM. Cùng đó, cần chuẩn bị sẵn nguồn lực lớn về con người và công nghệ, tài chính để tiến tới đáp ứng CBAM.
“Sau năm 2030, khả năng cao CBAM sẽ được áp dụng cho các mặt hàng giày dép xuất khẩu vào EU, chúng ta chỉ còn 5-7 năm nữa để chuẩn bị. Việc chuẩn bị này không thể một sớm một chiều, doanh nghiệp cần bắt tay thực hiện ngay từ bây giờ”, bà Xuân nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam, đáp ứng CBAM nói riêng, xanh hóa sản xuất nói chung là xu thế phát triển bền vững của thế giới trong bối cảnh hiệu ứng nhà kính làm gia tăng sự nóng dần lên của trái đất. Riêng đối với Việt Nam, đây còn là cơ hội khi Trung Quốc mất dần lợi thế là “công xưởng của thế giới”.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển thông tin, dệt may và da giày là hai trong những sản phẩm, hàng hóa có sự tăng trưởng xuất khẩu tương đối cao vào thị trường EU thời gian qua nhờ được hưởng ưu đãi thuế từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU.
Vì vậy, các doanh nghiệp ngành này cần chú ý đến những thay đổi cùng đòi hỏi của thị trường. Ví dụ, các sản phẩm ngành dệt may, giày dép xuất khẩu vào Bắc Âu cần lưu ý đến các quy định về “Nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu”. Tại đây, người tiêu dùng không chỉ xem xét về giá mà còn xem xét về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, tiêu chuẩn netzero và tuân thủ các yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu đang là yêu cầu bắt buộc của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp ngành da giày nói riêng. Để hàng hóa vào được các thị trường như EU, các doanh nghiệp sẽ phải khẩn trương hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó hướng tới phát triển bền vững.
Nguồn: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-da-giay-lo-ung-pho-voi-co-che-dieu-chinh-bien-gioi-carbon-cbam-332679.html