Luật Khoáng sản năm 2010 ra đời như một “luồng gió mới” đối với tỉnh Ninh Thuận. Sau 13 năm thực hiện, Ninh Thuận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc đưa các mỏ khoáng sản vào đấu giá công khai đã thu được nguồn ngân sách lớn cho Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên qua thời gian thi hành, Luật Khoáng sản còn bộc lộ một số bất cập. Phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Lê Huyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết tình hình khai thác khoáng sản ở Ninh Thuận trước khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực?
Ông Lê Huyền: Theo tài liệu Địa chất – Khoáng sản và tài liệu quy hoạch khoáng sản đã được công bố, khoáng sản được phân bố trên địa bàn Ninh Thuận chủ yếu là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, như: đá xây dựng, đá chẻ, cát xây dựng, vật liệu san lấp, đất sét làm gạch; một số loại khoáng sản có giá trị cao khác như: titan, thiếc, nước khoáng, đá ốp lát nhưng chủ yếu quy mô nhỏ.
Trước khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như đá xây dựng, đá chẻ, cát xây dựng và vật liệu san lấp. Quy mô, công suất, trữ lượng nhỏ và công nghệ khai thác còn đơn giản, nhiều trường hợp khai thác bằng phương pháp thủ công, thời gian cấp phép khai thác ngắn và cấp phép chủ yếu không qua thăm dò nên trữ lượng khoáng sản được cấp phép chưa đảm bảo độ tin cậy; sản lượng khai thác hàng năm đạt thấp nên nguồn thu ngân sách địa phương từ hoạt động khoáng sản đạt thấp.
PV: Sau khi Luật khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, tỉnh đã triển khai như thế nào và việc khai thác khoáng sản có tác động ra sao đến phát triển kinh tế – xã hội, thưa ông?
Ông Lê Huyền: Ngay sau khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản để góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cũng như vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân dân trong quản lý, bảo vệ khoáng sản;…
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo triển khai lập và phê duyệt Quy hoạch khoáng sản; khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản. Đặc biệt, ngày 25/01/2022, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đến nay, tình hình hoạt động khoáng sản đã dần đi vào nền nếp, tuân thủ quy định pháp luật, hạn chế và dần chấm dứt tình trạng cấp phép nhỏ lẻ, manh mún; thu hồi hoặc chấm dứt các mỏ đầu tư kém hiệu quả. Các mỏ được cấp phép khai thác đều phải thực hiện thăm dò, phê duyệt trữ lượng; doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ khai thác hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên; công tác cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác cũng đã được đẩy mạnh.
Công tác hậu kiểm, giám sát hoạt động khai thác, sản lượng khai thác sau cấp phép sâu sát, kịp thời; công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản được tăng cường, chặt chẽ, quyết liệt đã góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, giải quyết việc làm, giảm thiểu các tác động tiêu cực do hoạt động khoáng sản gây ra.
PV: Xin ông cho biết về những khó khăn khi triển khai Luật khoáng sản trên địa bàn tỉnh và hướng giải quyết?
Ông Lê Huyền: Bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định trong Luật Khoáng sản năm 2010 còn bộc lộ một số bất cập với thực tiễn công tác quản lý ở địa phương, như: Quy định về trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng địa chất chưa phù hợp.
Pháp luật chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản đối với trường hợp mất quyền ưu tiên cấp phép theo khoản 1 Điều 45 Luật Khoáng sản năm 2010; chưa quy định về hình thức xử lý vi phạm đối với trường hợp không nộp hồ sơ cấp phép khai thác khi trúng đấu giá ở khu vực chưa có kết quả thăm dò.
Quy định về Giám đốc điều hành chỉ được điều hành 1 mỏ khoáng sản, quy định về trình tự hồ sơ thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản còn rườm rà, kéo dài thời gian, chưa phù hợp với nhiều loại hình khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khai thác công nghệ đơn giản…
Để giải quyết triệt để những khó khăn trên, thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện thị tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản để thấy rõ về vị trí, vai trò của ngành công nghiệp khai khoáng đối với sự phát triển chung của tỉnh, về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản.
Rà soát, nghiên cứu cụ thể hóa cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp khai khoáng theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; Tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để tránh thất thoát nguồn thu và lựa chọn được doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!