ANTD.VN – Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đối mặt “án” phạt, truy thu thuế vì mặt hàng máy công cụ điều khiển số (CNC) không được giảm thuế giá trị gia tăng, trong khi hầu hết đã kê khai mức thuế suất 8% trong năm 2022.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, khi Nghị định số 15/2022/NĐ-CP có hiệu lực, các doanh nghiệp nhập khẩu máy công cụ điều khiển số (CNC), bao gồm các mặt hàng như: Máy trung tâm gia công CNC, máy xung điện CNC dùng để bóc tách vật liệu bằng tia lửa điện… đã kê khai thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 8%.
Tuy nhiên, năm nay, khi quyết toán thuế, cơ quan thuế lại trả lời các mặt hàng trên không thuộc đối tượng được giảm thuế. Cụ thể, các mặt trên được gọi là máy chuyên dụng, mã ngành cấp 7 là 2822012, 2829959 trong Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam.
Theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022, mã HS sản phẩm này không nằm trong phụ lục I, II, III của nghị định, là danh mục mặt hàng không được giảm thuế GTGT.
Trong văn bản trả lời các doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan cũng cho biết các mặt hàng máy trung tâm gia công CNC, máy cắt dây CNC, máy xung điện CNC nhập khẩu được xác định là thiết bị điện tử chuyên dùng, thuộc IV, phần B Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 15/2022 và áp dụng thuế GTGT 10%.
Mặt hàng máy CNC không thuộc danh mục được giảm thuế VAT theo Nghị định 15/2022 |
Mới đây, VASI đã có có kiến nghị gửi Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục Hải quan đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xác định mức thuế giá trị gia tăng năm 2022.
Theo đại diện VASI, việc các mặt hàng nêu trên không được giảm thuế gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại – tức là các doanh nghiệp nhập khẩu máy để bán. Bởi vì họ đã xuất bán cho các doanh nghiệp khác với thuế suất 8% rồi, nhưng khi quyết toán thuế thì phải chịu thuế suất 10%.
Ngoài ra, với các doanh nghiệp đã kê khai thuế suất 8%, nếu giờ áp dụng thuế suất 10% thì tức là họ đã khai sai thuế và sẽ bị cơ quan thuế phạt.
VASI cho biết, máy công cụ điều khiển số (CNC) là công nghệ cốt lõi trong gia công cơ khí chính xác, được sử dụng phổ biến trong hầu hết các ngành công nghiệp, đối tượng sử dụng rất lớn, cả các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ.
“Các doanh nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn với tình hình kinh tế hiện tại. Việc giảm thuế GTGT cho thiết bị sản xuất đầu vào, theo mục tiêu hỗ trợ của Chính phủ sẽ phần nào giúp các doanh nghiệp sớm phục hồi” – VASI cho biết.
Do đó, Hiệp hội đề nghị các cơ quan hướng dẫn cách thức xác định mặt hàng thuộc nhóm thiết bị điện tử chuyên dùng trong Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 15/2022.
Đồng thời, chỉ dẫn về cơ quan, đơn vị, đầu mối có thẩm quyền kiểm tra và xác minh mặt hàng của các công ty thuộc danh mục nào trong phụ lục ban hành kèm Nghị định này.
Việc hướng dẫn làm rõ quy định kể trên của Nhà nước là trực tiếp hỗ trợ kê khai thuế cho 2 đối tượng gồm: Các doanh nghiệp sản xuất, là đối tượng sử dụng máy móc và phải kê khai thuế GTGT khi đầu tư thiết bị; và doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh máy móc.
“Các doanh nghiệp mong mỏi nhận được hướng dẫn để kê khai thuế được chính xác, khuyến khích đầu tư và giảm bớt rủi ro trong sản xuất kinh doanh, cũng như bảo đảm thực hiện hiệu quả chính sách của Nhà nước nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam” – văn bản của VASI kiến nghị.