Đối mặt nhiều thách thức như đại dịch Covid-19, đồng yên sụt giá…, doanh nghiệp IT Việt vẫn kiên định tìm cách vượt khó, đồng hành toàn diện cùng các đối tác Nhật Bản trong chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Đối tác yêu thích số 1 trong lòng doanh nghiệp Nhật”
Quy mô thị trường IT outsourcing (gia công công nghệ thông tin) Nhật Bản khoảng 30 tỷ USD. Với đà tăng trưởng 9-10%/năm, dự kiến đến năm 2028 sẽ đạt khoảng 50 tỷ USD, và năm 2030 khoảng 60 tỷ USD.
Hiện doanh thu của doanh nghiệp IT Việt Nam tại thị trường này mới đạt gần 3 tỷ USD (xấp xỉ 10%), tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn trước luôn đạt 30%, nhưng gần đây chỉ đạt trên dưới 10%/năm.
Nâng mức tăng trưởng hàng năm của doanh nghiệp IT Việt tại Nhật quay trở lại mốc 20-30% đang là mục tiêu hướng tới của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ IT Việt Nam (VINASA) cùng các doanh nghiệp hội viên. Mục tiêu này khả thi khi đối tác Nhật có nhu cầu hợp tác ngày càng cao và doanh nghiệp IT Việt có sự chuẩn bị khá tốt cho hành trình “Nhật tiến”.
Ông An Ngọc Thao, Phó Tổng Thư ký VINASA. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ông An Ngọc Thao, Phó Tổng Thư ký VINASA tóm lược: “Mối quan hệ hợp tác phát triển IT giữa hai nước Việt – Nhật bắt đầu cách đây hơn 2 thập kỷ, ngay khi hình thành ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Năm 2002, VINASA vừa thành lập, các đối tác Nhật Bản đã sang đặt vấn đề hợp tác. Đến năm 2014, doanh nghiệp IT Việt đã trở thành đối tác quan trọng của Nhật, đứng thứ hai (chỉ sau Trung Quốc) về mặt quy mô và là đối tác yêu thích số 1 trong lòng doanh nghiệp Nhật Bản”.
Ngược dòng thời gian, khi chưa nhiều doanh nghiệp Việt biết tới tiềm năng và cơ hội tại “xứ sở hoa anh đào”, VINASA đã đi trước “dò đường”, hợp tác với các cơ quan nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp, trường đại học của Nhật nhằm học hỏi đa dạng kiến thức, kinh nghiệm, từ chương trình đào tạo đến các chính sách tốt hỗ trợ doanh nghiệp IT, từ văn hóa làm việc đến các nghiệp vụ cụ thể của một doanh nghiệp Nhật như bán hàng, nhân sự, kỹ thuật… Đây là nguồn vốn quý giúp doanh nghiệp IT Việt tự tin khai phá thị trường Nhật.
Tới thời điểm hiện tại, VINASA đã thiết lập quan hệ đối tác với khoảng 30 tổ chức/hiệp hội của Nhật liên quan tới IT (điển hình như IPA – Cơ quan Xúc tiến IT, JISA – Hiệp hội Công nghiệp dịch vụ IT Nhật Bản, và các hiệp hội chuyên ngành hẹp về phần mềm nhúng, máy tính…), cùng nhiều đối tác lớn về thương mại (JETRO – Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, AJC – Trung tâm ASEAN – Nhật Bản…), và một số chính quyền địa phương (Kanagawa, Yokohama, Osaka, Fukuoka…).
Ngày 6/8 tới, VINASA sẽ phối hợp với JETRO và JISA tổ chức chương trình Vietnam IT Day lần thứ 11 tại Nhật, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhằm truyền tải thông điệp: Việt Nam sẵn sàng làm đối tác IT toàn diện hỗ trợ Nhật Bản phát triển kinh tế số bền vững; Doanh nghiệp IT Việt cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp Nhật Bản.
“Những năm vừa rồi, kinh tế Nhật gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, đồng yên giảm tới 30%, trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp Việt triển khai dự án IT cho đối tác Nhật chỉ dao động 20-30% tổng doanh thu, đồng nghĩa nguy cơ không có lợi nhuận. Vậy nhưng, hầu hết doanh nghiệp IT Việt chưa bao giờ nghĩ tới chuyện từ bỏ thị trường và các đối tác Nhật mà luôn đồng hành, chia sẻ, cùng nhau tìm giải pháp vượt qua khó khăn”, ông Thao nhấn mạnh.
“Doanh nghiệp IT Việt không chỉ dừng ở những công việc đơn giản nữa mà sẽ cùng đối tác Nhật cải thiện năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, qua đó phát huy hơn nữa lợi thế “lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp Nhật”.
Thông qua Vietnam IT Day 2024, VINASA và các doanh nghiệp Việt mong muốn đối tác Nhật tiếp tục “sát cánh kề vai” nâng quan hệ hợp tác IT Việt – Nhật lên một tầm cao mới, xứng đáng với quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện của hai quốc gia”, Phó Tổng Thư ký VINASA chia sẻ thêm.
Doanh nghiệp IT Việt sẵn sàng đồng hành cùng các đối tác Nhật tìm giải pháp vượt qua khó khăn. Ảnh: VINASA
Hai cơ hội hợp tác lớn
Trước kia, mối quan hệ hợp tác IT giữa doanh nghiệp hai nước Nhật – Việt thuần túy chỉ là giao – nhận dự án hoặc phái cử nguồn nhân lực (doanh nghiệp Việt chuẩn bị nhân sự, chuyển cho doanh nghiệp Nhật sử dụng và quản lý, hết dự án lại trả người về).
Bây giờ, hầu hết các doanh nghiệp IT Việt đã tăng quy mô, trình độ quản lý được nâng cấp, trình độ nhân lực luôn được đánh giá Top đầu các bảng xếp hạng quốc tế, cộng thêm khả năng đón đầu xu hướng công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo), big data (dữ liệu lớn)…, có thể đảm nhận cả khâu tư vấn chuyển đổi hệ thống IT cho doanh nghiệp Nhật. Một số doanh nghiệp IT Việt có hẳn sản phẩm dành riêng cho thị trường Nhật.
“Xưa kiếm mãi không ra doanh nghiệp IT Việt quy mô 300 người hoặc 500 người, nhưng nay chúng ta đã có những doanh nghiệp hàng chục ngàn người, trên dưới 15 doanh nghiệp IT quy mô hơn 1.000 lao động, khoảng gần 30 doanh nghiệp quy mô 500-1.000 người, khoảng 100 doanh nghiệp quy mô từ 200-500 người, và hàng trăm doanh nghiệp quy mô khoảng 100 người. Các doanh nghiệp IT Việt làm đối tác cho Nhật đều tiệm cận mức 100 nhân sự. Quy mô doanh nghiệp IT Việt đủ lớn để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số cơ bản của doanh nghiệp Nhật.
Còn về trình độ, doanh nghiệp IT Việt trước đây chủ yếu chỉ có nhân lực làm developer (nhà phát triển phần mềm), tester (nhân viên kiểm thử)…, nay có cả kiến trúc sư hệ thống, có thể ngồi cùng doanh nghiệp Nhật nghiên cứu, phát triển để hiện đại hóa toàn bộ hệ thống cũ và phát triển những mô hình mới”, ông Thao hào hứng thông tin.
Doanh nghiệp IT Việt đang hội tụ khá nhiều điều kiện thuận lợi để sẵn sàng “bứt tốc” tại “đất nước mặt trời mọc”. Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 84.000 kỹ IT ra trường từ 168 trường đại học và 520 trường cao đẳng, trung cấp nghề (theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông). Chương trình đào tạo của nhiều trường đại học đã tiệm cận rất sát nhu cầu thực tế của doanh nghiệp Nhật. Cùng với đó, tiếng Nhật không còn là vấn đề lớn, rất nhiều kỹ sư IT giao tiếp tốt bằng tiếng Nhật.
Nhiều cơ hội kinh doanh đang chờ đón doanh nghiệp IT Việt tại Nhật Bản. Ảnh: VINASA
“2 cơ hội phát triển kinh doanh lớn tại thị trường Nhật đang chờ đón doanh nghiệp IT Việt”, Phó Tổng Thư ký VINASA chia sẻ.
Cơ hội thứ nhất, hiện đại hóa các hệ thống lâu đời của Nhật Bản.
Những năm 70-80 của thế kỷ trước, một số ngành lớn của Nhật như sản xuất, tài chính, bán lẻ… đi trước thế giới một bước. Nhưng cũng chính vì quy mô quá lớn nên quá trình hiện đại hóa hệ thống sau này của họ chậm chuyển dịch hơn nhiều quốc gia khác, không đáp ứng yêu cầu phát triển và không tạo được lợi thế cạnh tranh.
Đơn cử, hệ thống ngân hàng của Nhật quy mô hàng nghìn tỷ USD, chỉ thay đổi một chút cũng ảnh hưởng tới rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, rất nhiều người, nên các nhà quản lý sẽ phải cân nhắc rất kỹ, rất lâu mới quyết định thay đổi. Hoặc trong ngành sản xuất, doanh nghiệp Nhật đã hoàn tất bước số hóa, tự động hóa quy trình sản xuất, nhưng đến bước tiếp theo của quá trình chuyển đổi số là tối ưu hóa toàn bộ hệ thống, ứng dụng công nghệ mới (như big data, AI…) để đưa ra mô hình sản xuất mới, sản phẩm mới, qua đó nâng cao năng lực thích ứng, cạnh tranh thì họ chưa làm được.
Doanh nghiệp Việt có thể cùng đồng hành, nghiên cứu các giải pháp công nghệ mới vào thị trường đầy tiềm năng này.
Cơ hội thứ hai, kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững (ESG).
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đạt Net Zero (lượng phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050, cam kết giảm đáng kể vào năm 2035. Doanh nghiệp Nhật, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, đang phải đau đầu giải nhiều “bài toán” liên quan tới các tiêu chuẩn phát triển xanh, bền vững như: Hiện đại hóa hệ thống sản xuất để bảo vệ môi trường; Ứng dụng công nghệ để tối ưu hệ thống quản trị trong nội bộ doanh nghiệp (về con người, máy móc, thiết bị, năng lượng…) theo hướng các tiêu chuẩn ESG đang được áp dụng.
Đấy là thị trường không nhỏ đối với doanh nghiệp IT Việt.
Những “rào cản” cần khắc phục
Phó Tổng Thư ký VINASA lưu ý một số vấn đề lớn các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung giải quyết nếu muốn chinh phục thành công thị trường Nhật.
Trước hết, về hạ tầng cơ sở vật chất. 80% doanh thu của thị trường IT outsourcing Nhật Bản đang thuộc về doanh nghiệp Trung Quốc. Ngoài câu chuyện trình độ cao, doanh nghiệp Trung Quốc còn có hệ thống cơ sở hạ tầng cứng (văn phòng, trang thiết bị, hệ sinh thái doanh nghiệp cung cấp) và hạ tầng công nghệ rất lớn. Trong khi doanh nghiệp IT Việt chưa chuẩn bị được hạ tầng đủ để tiếp nhận các dự án lớn từ doanh nghiệp Nhật. Hiếm doanh nghiệp IT Việt có tòa nhà riêng với hệ thống cơ sở vật chất riêng và trung tâm sản xuất quy mô hàng nghìn người.
“Đa phần doanh nghiệp IT outsourcing Việt chưa được tham gia các “bài toán” đủ lớn. Chẳng hạn: Game của Nhật Bản thường hướng đến phục vụ hàng triệu người, còn quy mô dự án game Việt nhỏ hơn rất nhiều; Các giải pháp sản xuất của doanh nghiệp IT Việt Nam chưa được triển khai ở quy mô hàng trăm nhà máy trên toàn cầu, hàng trăm ngàn lao động. Hy vọng thời gian tới, các doanh nghiệp lớn có thể kết hợp với các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam để giải quyết các “bài toán” lớn hơn, tự tin nhận những dự án lớn hơn của đối tác quốc tế”, ông Thao nhận định.
Mặt khác, nhân lực của doanh nghiệp IT Việt rất giỏi về công nghệ nhưng lại thiếu kiến thức sâu về chuyên ngành (domain) cụ thể, chẳng hạn như tài chính, bảo hiểm… Để khắc phục hạn chế này, VINASA đang cổ vũ doanh nghiệp IT Việt hợp tác với doanh nghiệp Nhật để chuyên gia Nhật trong đa dạng ngành/lĩnh vực cùng ngồi R&D với chuyên gia công nghệ Việt. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp outsourcing Việt hợp tác với các doanh nghiệp Việt đã có những sản phẩm, giải pháp trong các chuyên ngành fintech (công nghệ tài chính), agritech (công nghệ nông nghiệp), e-commerce (thương mại điện tử)… trên hành trình “Go Global” (hướng ra thị trường toàn cầu).
Trên thực tế, mối quan hệ liên kết của các doanh nghiệp IT Việt khá lỏng lẻo, chưa hình thành được liên minh doanh nghiệp quy mô lớn để đón dự án lớn, sau đó phân chia công việc để các bên đều có lợi: Doanh nghiệp lớn làm tổng thầu, làm hạ tầng, cung cấp các tool (công cụ) và database (cơ sở dữ liệu)…; Doanh nghiệp trung bình làm thiết kế hệ thống; Doanh nghiệp nhỏ hơn đảm nhận phần việc phát triển phần mềm, kiểm thử…
“Vấn đề cốt yếu bây giờ là tư duy sẵn sàng “chơi lớn” của lãnh đạo doanh nghiệp. Vẫn có không ít người đứng đầu doanh nghiệp outsourcing vội hài lòng khi lượng đơn hàng đều đặn, nguồn tiền khá ổn định, không nghĩ đến câu chuyện phải lớn mạnh hơn, hướng tới mục tiêu cao hơn, đó là trách nhiệm phụng sự đất nước, góp phần khẳng định vị thế Việt Nam vươn tầm quốc tế”, Phó Tổng Thư ký An Ngọc Thao tâm tư.
Giữ vai trò “cầu nối” Việt – Nhật, bên cạnh hàng loạt chương trình giao lưu hoặc sự kiện quy mô nhỏ, hàng năm, VINASA tổ chức 3 chương trình lớn có thể giúp doanh nghiệp IT Việt mở rộng đường sang Nhật.
Ảnh: VINASA
Japan ICT Day tại Việt Nam – mang các doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam. Bên cạnh những hoạt động truyền thống như triển lãm, hội nghị, kết nối kinh doanh…, VINASA hướng tới thiết kế các “Company tour” – thăm quan các doanh nghiệp có năng lực, giải pháp theo từng chuyên ngành hẹp, giúp doanh nghiệp Nhật kết nối sâu với doanh nghiệp Việt theo đúng yêu cầu quy mô, chuyên ngành phù hợp.
Japan ICT Week tại Nhật – đưa doanh nghiệp Việt sang tham gia sự kiện của Nhật. Năm nào cũng có khoảng 30 – 40 doanh nghiệp Việt hiện diện tại khu triển lãm Vietnam Pavillon trong khuôn khổ sự kiện này. Đây là “địa chỉ đỏ” giúp doanh nghiệp Nhật tìm đối tác về outsourcing; kênh tốt để doanh nghiệp IT Việt có đơn hàng đều đặn hàng năm. Vietnam IT Day ở Nhật – phối hợp cùng doanh nghiệp/tổ chức của hai nước Việt Nam và Nhật Bản tổ chức sự kiện quy mô bài bản tại Nhật, kể những câu chuyện về năng lực, giải pháp của doanh nghiệp IT Việt sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số tại Nhật. |
Nguồn: https://vietnamnet.vn/dn-cong-nghe-viet-dong-hanh-chuyen-doi-so-giu-vi-the-lua-chon-hang-dau-cua-doi-tac-nhat-2308568.html