Năm 2019, ở MV “Bài này chill phết”, lần đầu tiên Đen Vâu lồng quảng cáo và anh khá thẳng thắn khi rap ở đoạn cuối: “Bài hát này đã có quảng cáo, không có tiền thì làm nhạc làm sao?”.
Sự bắt tay giữa doanh nghiệp và ca sĩ nở rộ trong khoảng 6 năm trở lại đây và vẫn đang là xu hướng được các thương hiệu quan tâm.
Khi doanh nghiệp bắt tay với ca sĩ
Hình ảnh Đen Vâu trong MV “Đi trong mùa hè”
Còn nhớ, cách đây 6 năm, Điện máy xanh là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng thành công phương thức music marketing (tiếp thị bằng âm nhạc).
Chiến dịch này góp phần mang doanh số của thương hiệu trong năm 2017 lên đến hơn 4.600 tỷ đồng, gấp gần 2 lần năm 2016.
Ngay cả các thương hiệu lớn như Honda, Pepsico, Biti’s… cũng không nằm ngoài cuộc chơi này. Thậm chí, các thương hiệu còn chi mạnh tay để mời các ngôi sao hạng A, sở hữu lượng fan đông đảo như: Hà Anh Tuấn, Sơn Tùng M-TP, Hoàng Thùy Linh, Đen Vâu…
Điển hình như Honda Vietnam còn định kỳ ra mắt các MV ca nhạc mỗi khi ra mắt sản phẩm mới và đều đạt thành tích ấn tượng.
Có thể kể đến thành quả của hãng sau khi bắt tay với Đen Vâu trong MV “Đi về nhà” (năm 2020, 145 triệu lượt xem) và “Mang tiền về cho mẹ” (năm 2021, 85 triệu lượt xem), “Đi trong mùa hè” (năm 2022, 17 triệu lượt xem).
Trong 3 năm liền, dòng xe Winner X liên tục đạt vị thế dẫn đầu trong phân khúc xe côn tay tại thị trường Việt Nam. Đến năm 2023, sau khi bắt tay với “hoàng tử làng rap” Hiếu Thứ Hai, Trúc Nhân trong MV “Tết nhớ tới già” cùng dòng xe Vario 160, hãng này cũng đặt mục tiêu doanh số 100.000 xe/năm, chỉ sau Wave Alpha và Vision.
Cuối năm 2022, đại gia ngành thép Hòa Phát cũng bắt tay với Hoàng Thùy Linh, Karik ra mắt MV “Kiềng 3 chân”. MV được tung ra vào đúng thời điểm cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cùng với thị trường chứng khoán trải qua cơn sóng gió.
Theo We are social, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam vào tháng 1/2023 là 70 triệu người. Riêng người sử dụng YouTube đầu năm 2023 là 63 triệu người, trong đó: “Nhạc” và “Phim” là hai từ khóa được tìm nhiều nhất.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/10/2022, HPG chỉ còn 18.850 đồng/CP – tiếp tục giảm gần 5% so với phiên trước. Giá trị vốn hóa mất gần 1 tỷ USD chỉ trong 1 tuần. Tuy nhiên, chiến dịch này của Hòa Phát vẫn ghi nhận thành tích về mặt quảng bá thương hiệu khi MV nhanh chóng đạt hơn 330.000 lượt xem sau 21 giờ lên sóng.
Trước đó, ngày 20/10/ 2020, Hòa Phát đã rất thành công khi bắt tay cùng Bích Phương thực hiện MV “Kén cá chọn canh”.
Phiên giao dịch trong ngày ra mắt MV, cổ phiếu HPG đóng cửa tại 29.350 đồng, tính theo giá điều chỉnh là 16.330 đồng. Đó cũng là thời điểm chứng kiến sự đi lên bùng nổ của HPG trong suốt 1 năm sau đó, và trở thành cổ phiếu “quốc dân” của thị trường chứng khoán.
Trước Honda, Hòa Phát, năm 2019, sàn thương mại điện tử Tiki từng chơi lớn khi dốc tiền cho dự án tài trợ lên đến 100 sản phẩm âm nhạc của các nghệ sĩ trong dự án truyền thông “Tiki đi cùng sao Việt”.
Có thể kể đến các MV như: “Bạc phận” (K-ICM, 100 triệu view), “Đừng yêu nữa, em mệt rồi” (MIN, hơn 50 triệu view), “Anh ơi ở lại” (Chi Pu, hơn 50 triệu view)…
Theo Advertising Vietnam, chỉ sau 1 năm lên sóng, dự án này thu về 2 tỷ lượt xem, tiếp cận 300 – 400 triệu người dùng với 37 MV Top Trending YouTube và 16 MV lọt Top 1 Trending YouTube.
Ông Ngô Hoàng Gia Khánh – Phó tổng giám đốc phát triển doanh nghiệp tại Tiki khẳng định: “Dự án này mang đến hiệu quả gấp 20 lần so với các hình thức quảng cáo thông thường khác trên nền tảng YouTube”.
Cuộc chơi cũng lắm công phu
Hoàng Thùy Linh và Karik trong MV “Kiềng 3 chân”
Honda Vietnam khẳng định sẽ không ngại cân nhắc ra MV mới khi có sản phẩm phù hợp, nghệ sĩ phù hợp trong tương lai.
“Việc càng nhiều nhãn hàng lớn đầu tư vào hoạt động music marketing đã chứng minh được hiệu quả của phương thức truyền thông này. Điều đó cũng đồng nghĩa, đây cũng là thử thách cho nhãn hàng, bởi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt không chỉ giữa các thương hiệu – thương hiệu mà còn giữa thương hiệu – nghệ sĩ trong việc sản xuất các MV”, Honda Vietnam cho hay.
“
Music Marketing sẽ còn tiếp tục làm mưa làm gió trong thời gian tới. Nhất là khi, các kênh về video/music đang có lượng người dùng và lượng truy cập tăng lên hàng năm. Chẳng hạn, TikTok đã vượt qua YouTube, khi đạt lượng truy cập trung bình là 23,5h/tháng. Như vậy, Music Marketing, đặc biệt là video ca nhạc thời lượng ngắn, tính thông tin cao, vẫn sẽ là xu hướng tiếp cận thông minh và hiệu quả trong thời gian tới.
Bà Chang Trần
”
Theo bà Chang Trần, Giám đốc Marketing của Công ty Cổ phần Giải pháp chuyển đổi số (THG), cựu giảng viên thuộc chương trình của Google tại Việt Nam, với đặc tính lan truyền và khả năng ghi nhớ cao, music marketing là phương thức được nhiều nhãn hàng lựa chọn trong nỗ lực đưa sản phẩm của mình tới gần hơn với người tiêu dùng.
Music marketing được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: TVC; radio commercial, các music video hay viral clip.
Thông thường, nhãn hàng có nhiều cách đồng hành với những MV ca nhạc của nghệ sĩ hoặc tài trợ một phần kinh phí sản xuất với tư cách nhà tài trợ.
“Chơi lớn” hơn, nhãn hàng có thể tự sản xuất MV, mời nghệ sĩ xuất hiện, biểu diễn. Do đó, chi phí để nhãn hàng sẵn sàng chi tiền có biên độ khá lớn, ở mức khoảng 10 triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Tất nhiên, quyền chi phối của họ có thể tăng dần tương ứng với số tiền bỏ ra.
“Với những MV riêng, chịu đầu tư về hình ảnh, sáng tác ca khúc riêng, bắt tay với ngôi sao hạng A, thuê ê-kíp sản xuất hùng hậu… như các chiến dịch của PepsiCo hay Honda, con số đầu tư cũng dao động từ 1 – 3 tỷ đồng. Với các MV có 50 triệu view, số tiền chi ra cũng lên đến cả chục tỷ đồng”, bà Chang nhận định.
Món hời vẫn kèm ràng buộc, rủi ro
Thừa nhận, mối quan hệ giữa nhãn hàng và nghệ sĩ là cộng sinh, đôi bên đều có lợi, song L.V – đạo diễn đứng sau nhiều MV có tài trợ thừa nhận, khi nhãn hàng có quyền quyết định 50% đối với sản phẩm, vai trò của đạo diễn bị giảm xuống thấp hơn ê-kíp nhà sản xuất.
“Tức là đạo diễn phải nghe theo họ, họ bỏ tiền ra thì phải được thứ họ muốn.
Đó còn chưa kể, chúng tôi vừa phải làm hài lòng nhãn hàng, vừa nghiên cứu để lồng ghép câu chuyện sao cho mềm mại, logic với câu chuyện của MV, tránh rơi vào quảng cáo quá lố”, anh L.V bày tỏ.
Ở một góc nhìn khác, bà Chang Trần cho rằng, việc dùng MV của người nổi tiếng để làm truyền thông cũng tồn tại nhiều rủi ro như: Chọn sai kênh, phương thức triển khai; chọn sai KOL (Key Opinion Leader), không có thông điệp tốt… Trong đó, rủi ro nhất là người nổi tiếng, scandal mà chính nghệ sĩ cũng không lường trước được.
“Điều này làm ảnh hưởng hình ảnh của cả nghệ sĩ và kéo theo doanh số của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng như: Bị người dùng tẩy chay, lên án”, bà Chang nhận định.