Sáng 30-8, tại TP Cần Thơ diễn ra Hội nghị ngành công thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần VII – năm 2024, với chủ đề “Liên kết phát triển thương mại gắn kết nối cung cầu giữa 5 thành phố và các tỉnh ĐBSCL”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, hội nghị đã đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công thương năm 2023 những tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2025. Đồng thời, trao đổi kinh nghiệm, thảo luận những vấn đề mới, phát sinh từ nhu cầu phát triển và thực tiễn quản lý Nhà nước, điều hành của địa phương.
Từ đó, tạo sự đồng thuận quan điểm đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho các địa phương phát huy lợi thế; tận dụng các cơ hội và thách thức trong hoạt động thương mại, nhằm thúc đẩy tăng trưởng thương mại, dịch vụ.
Theo báo cáo, ngành công thương các thành phố nói riêng và cả nước nói chung đã nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành công nghiệp. Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, như: Giảm thuế giá trị gia tăng góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững.
Công nghiệp phát triển mạnh theo hướng hiện đại, thông minh, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm, giữ vai trò chủ lực trong kinh tế. Các thành phố xác định ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng tri thức, khoa học – công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, có lợi thế cạnh tranh đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của 5 thành phố trực thuộc Trung ương trong 6 tháng đầu năm 2024 chiếm tỷ trọng 26,5% cả nước. Trong đó, Hải Phòng và TPHCM có kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất, Hà Nội và TPHCM có kim ngạch nhập khẩu cao hơn xuất khẩu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu đã tăng cường kiểm soát chất lượng, kỹ thuật để đảm bảo chất lượng hàng hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Doanh nghiệp chế biến thủy sản xây dựng được vùng nuôi, chuyển đổi mô hình nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn, tập trung, nên chủ động được nguồn nguyên liệu, bảo đảm quy trình khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu đáp ứng được các điều kiện khắt khe của thị trường nhập khẩu và chủng loại ngày càng đa dạng.
Ngành công thương 5 thành phố đã nghiêm túc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, các quan điểm đổi mới của Đảng và của thành phố. Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm; giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề phát sinh.
Tại hội nghị, một số báo cáo, tham luận tập trung vào thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử đối với các sản phẩm OCOP; đẩy mạnh công tác liên kết vận chuyển giữa cảng biển và logistics…
Những nhiệm vụ trọng tâm được xác định tới đây như: Tập trung quán triệt, thực hiện đầy đủ, kịp thời và cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan; Chú trọng triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Cùng với đó, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư, chuyển đổi số…
VĨNH TƯỜNG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/doanh-nghiep-che-bien-thuy-san-dan-mo-rong-quy-mo-post756404.html