Việc cắt điện trên diện rộng, liên tục trong những ngày qua làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân và tình hình sản xuất, kinh doanh các đơn vị sản xuất, tác động đến nền kinh tế nói chung của tỉnh.
12h trưa ngày 7/6, Công nhân Công ty TNHH Hợp Thành nghỉ việc do mất điện.
Trước bối cảnh nắng nóng kéo dài, tình hình cung ứng điện quá tải buộc phải cắt điện luân phiên. Từ đầu tháng 6 đến nay, tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đã bị cắt điện luân phiên, liên tục. Không chỉ người dân mà nhiều doanh nghiệp vì bị cắt điện đột ngột đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh.
Những ngày qua, công nhân Công ty TNHH Hợp Thành (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình) cũng như nhiều công ty, doanh nghiệp khác tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Thái Bình đến làm việc lúc 7 giờ và ra về lúc 12 giờ, chỉ bởi nguyên do mất điện phải dừng sản xuất.
Công nhân Phạm Quang Đông, Công ty TNHH Hợp Thành cho biết: Mất điện ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và thu nhập của công nhân. Như chúng tôi nghỉ từ 12 giờ đến sáng hôm sau khi có điện lại tranh thủ vào làm, công việc bị gián đoạn rất nhiều.
Còn theo công nhân Đặng Văn Phương, Công ty Cổ phần Damsan thì việc mất điện diễn ra thường xuyên ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của công nhân.
Nhu cầu sử dụng điện tăng cao do nắng nóng gay gắt, trong khi nguồn cung chưa đáp ứng đủ, việc cắt điện là không thể tránh khỏi. Do đó, dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng hầu hết các doanh nghiệp cũng rất thông cảm, chia sẻ cùng ngành điện và cơ quan chức năng trong bối cảnh tình hình cung ứng điện căng thẳng như hiện nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều mong muốn, ngành điện cần có kế hoạch, thông báo cắt điện sớm và điều tiết điện hợp lý.
Ông Đinh Xuân Tùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hợp Thành cho biết: Việc cắt điện ảnh hưởng lớn các nguyên liệu đưa vào sản xuất bị tắc trong bồn chứa, buộc phải kéo ra ngoài. Vì vậy, chúng tôi mong muốn, Công ty Điện lực Thái Bình nên có kế hoạch cắt điện báo trước 1 tuần để công ty chủ động trong các đơn hàng.
Còn theo bà Trương Thị Huyền, Trưởng phòng Hành chính Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư và xây lắp Tiến Thịnh, với đặc thù là đơn vị sản xuất công nghiệp nặng, các loại máy cắt sắt thép công suất lớn, tiêu thụ điện năng nhiều. Tình trạng mất điện hầu như thời gian báo trước không nhiều, khó sắp xếp lịch làm việc cho công nhân nên các máy móc nhà xưởng đều tạm dừng hoạt động. Mong ngành điện có thông báo cắt điện sớm hơn và thời gian cắt điện hợp lý.
Ông Lê Xuân Chiến, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan cho biết: Với 6 nhà máy trực thuộc, tháng cao điểm Công ty tiêu thụ khoảng 14 tỷ đồng tiền điện. Thế nhưng với tình trạng cắt điện trong thời gian từ 12 giờ – 24 giờ thì năng suất bị giảm tới 70%. Chúng tôi rất chia sẻ khó khăn với ngành điện nhưng thời gian tới, ngành điện thông báo thời gian cắt điện trước 3 – 5 ngày, thời điểm cắt điện 8 tiếng/ngày để doanh nghiệp có thể bố trí 2 ca sản xuất, bảo đảm năng suất lao động và thu nhập cho người lao động.
Hệ thống máy móc, nhà xưởng Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư và xây lắp Tiến Thịnh dừng hoạt động.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình cho biết: Công ty đang nỗ lực cao nhất để bảo đảm cung ứng điện phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xả ra sự cố thậm chí nguy cơ cháy, nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường. Chỉ tiêu phân bổ sản lượng điện của Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho các địa phương trong giai đoạn hiện nay được tính theo thời gian 5 ngày, có khi theo ngày, theo giờ trong khi nhu cầu sử dụng tăng cao nên Công ty buộc phải tiết giảm sản lượng điện đối với khách hàng không được ưu tiên cho phù hợp. Tập trung vào điện sinh hoạt gia đình, điện sản xuất. Theo đó, Công ty cố gắng duy trì lưới điện dân sinh, chỉ cắt điện 4 giờ/ngày; chủ động điều tiết, có kế hoạch, thông báo đến khách hàng sớm nhất. Đồng thời, Công ty Điện lực Thái Bình rất mong nhận được sự chia sẻ của khách hàng đối với những khó khăn về cung cấp điện ở thời điểm hiện tại. Mong khách hàng, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt bớt các thiết bị không cần thiết và hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào khung giờ cao điểm tiêu thụ điện, từ 10 giờ – 14 giờ và từ 20 giờ – 23 giờ hàng ngày.
Theo dự báo, thời tiết tiếp tục còn những đợt nắng nóng kéo dài, nhu cầu tiêu thụ điện vẫn tiếp tục tăng cao. Để tăng cường tiết kiệm điện và bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là giai đoạn cao điểm nắng nóng năm 2023, mỗi người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Minh Nguyệt